Bữa cơm tối là lúc cả nhà họp mặt sau một ngày làm việc, học tập - Ảnh: N.C.THÀNH
Ngày nào cũng vậy, dù 17h mới tan làm nhưng chị Giang Hạnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) luôn tranh thủ ghé đón con rồi chạy về nhà sớm nhất có thể để nấu bữa tối. "Ba mẹ đi làm, con đi học, chỉ có duy nhất bữa cơm tối là ăn cùng nhau nên dù hơi vất vả nhưng cả nhà vẫn duy trì bữa cơm tối bao năm qua" - chị Hạnh khoe.
Cuối tuần nghỉ ngơi, ngừng nấu một bữa, cả nhà chở nhau đi ăn tối bên ngoài, vừa ăn vừa nói chuyện. Điều nho nhỏ vậy mà âm thầm kéo cha mẹ và con lại gần nhau hơn.
Anh QUANG LÂM (quận 10, TP.HCM)
Bên mâm cơm nhà
Bữa cơm tối ấy có khi kịp chuẩn bị sẽ có các món canh, mặn, xào đầy đủ. Hôm nào quá kẹt công việc, chị Hạnh ghé mua cơm tấm hay một món nào đó về cho cả nhà. "Quan trọng là giữ cam kết ngồi ăn cùng nhau ít nhất một bữa trong ngày. Đó không chỉ là bữa ăn mà để họp mặt gia đình sau một ngày bôn ba ngoài đường" - chị Hạnh cười.
Buổi "họp mặt" ấy của gia đình chị Hạnh sẽ chỉ có tiếng cười, câu chuyện giữa cha mẹ và con về việc học ở trường, hỏi con ăn trưa món gì trong bữa cơm bán trú, lớp có chuyện gì vui không, con đi học có trục trặc gì không. Ấy cũng là cam kết của hai vợ chồng, tuyệt nhiên không mang công việc hay những việc không vui về nhà "đè" lên bữa cơm tối.
Nhà anh Quang Lâm (quận 10, TP.HCM) cũng giữ nếp ăn bữa tối cùng nhau. Công việc của hai vợ chồng khá linh động thời gian nên hôm nào ai về sớm trước sẽ là người nấu bữa tối cho cả nhà. Anh chị sẽ nhắn tin với nhau để biết sẽ ăn gì rồi cứ thế mà làm.
Tay nghề nấu ăn của anh Lâm cũng khá nên anh thường ra thực đơn hằng ngày. Có khi anh mua sẵn thực phẩm, sơ chế trước rồi chiều về nấu. Cũng có lúc anh ra thực đơn rồi nhắn vợ mua về để sẵn, tối về anh sẽ nấu. "Công
việc của tôi có thể sắp xếp được thời gian nên tôi hay về trước tranh thủ nấu ăn. Nhà tôi ghé đón con tan trường. Hai mẹ con về tới nhà thì cơm canh cũng gần hoàn tất, chỉ cần cả nhà tắm rửa xong là bữa tối đã sẵn sàng" - anh Lâm nói.
Làm bạn cùng con
Kể câu chuyện gần một năm trước, chị Thanh Loan (quận 1, TP.HCM) nói vẫn còn nguyên cảm giác choáng khi cô chủ nhiệm gọi điện mời lên gặp. Số là cậu con trai chị lúc ấy đang học lớp 8 bị phát hiện sử dụng thuốc lá điện tử. Vừa giận vừa bất ngờ, song bình tâm lại, chị còn bối rối vì chưa biết nói chuyện với con thế nào. Không thể giấu chồng, chị phải kể hết sự thật với anh.
Ăn tối xong, cả nhà cùng ngồi lại nói chuyện. Vì tò mò, cậu con trai cầm xem và có đưa lên mũi cây thuốc lá điện tử, đúng lúc có mấy bạn học sinh đi qua nhìn thấy và báo lại với giám thị, cậu bị viết tường trình và mời phụ huynh vào làm việc.
Hai vợ chồng thay nhau phân tích cho con nhận ra hành vi đó sai thế nào với một học sinh. Cậu con trai hứa không tái phạm và gần hết học kỳ I năm nay anh chị chưa nghe phản ảnh về con trai dù trong lớp có một vài bạn khác có dùng thuốc lá điện tử. "Chúng tôi chọn cách nói chuyện chứ không la con, nói để con hiểu và nhiều vụ việc ở trường cháu sẽ chủ động kể khi về nhà" - chị Loan cho biết.
Nhưng đúng là không dễ làm bạn cùng con và không phải cha mẹ nào cũng dành đủ thời gian cho con. Mà cuộc tất bật mưu sinh là một trong những rào cản lớn. Nhìn từ góc độ giáo dục, thạc sĩ Lê Trường An (nghiên cứu sinh ĐH Suranaree, Thái Lan) cho rằng gia đình cần tôn trọng lẫn nhau. Con cái tôn trọng bố mẹ, và ở chiều ngược lại, bố mẹ cũng cần tôn trọng con và biết lắng nghe, hiểu, chấp nhận những khác biệt và lựa chọn của con.
Thực tế có những người lấy quyền làm cha mẹ để buộc con phải theo ý mình, trong khi thực tế có thể đứa trẻ sẽ vâng lời trước mặt nhưng sau lưng lại chưa chắc. Thạc sĩ Lê Trường An phân tích: "Con cái biết tôn trọng và chia sẻ, bố mẹ có trách nhiệm lo lắng và chăm sóc khi con còn nhỏ, rồi định hướng khi con vào tuổi trưởng thành. Trên nói dưới nghe và dưới nói trên lắng nghe trong tinh thần hiểu, thương, chia sẻ chứ không phải áp đặt".
Kiếm nhiều tiền, đúng rồi, nhưng...
Có một điều khá nghịch lý: bố mẹ, nhất là với bố mẹ trẻ, hay lý luận rằng phải tranh thủ làm và kiếm thật nhiều tiền, con cần gì cho nấy, cứ mang lại đủ đầy thì tự khắc con sẽ hạnh phúc. Nhưng không hẳn vậy. Một bác sĩ chuyên khoa tâm thần kể từng tư vấn, điều trị cho một học sinh lớp 9 bị trầm cảm. Bạn này thậm chí lấy dao lam tự cắt tay, châm điếu thuốc đang cháy vào người mà không có cảm giác đau.
Sau nhiều ngày điều trị không khả quan, bác sĩ quyết định mời phụ huynh cùng hợp tác. Nhưng ngay khi được bác sĩ thông tin về tình trạng của con, cả ba và mẹ bạn vẫn khẳng định không thể có chuyện đó vì họ thấy con vẫn rất bình thường.
Mãi cho đến khi có mặt cậu con trai "ba mặt một lời", hai vợ chồng mới chưng hửng với những điều con nói ra và cam kết hợp tác cùng bác sĩ để cứu vãn tình trạng của con. "Đúng là lâu rồi cả nhà ít khi nói chuyện, chứ nói gì ăn cơm hay đi chơi cùng nhau. Tụi tui bận việc, tiếp khách túi bụi, cứ nghĩ con học hành yên ổn, xin gì cho nấy là yên tâm, ai ngờ..." - người mẹ bỏ lửng câu nói và khóc.
TTO - Nếu hộ chiếu văn hóa Việt Nam hợp thành từ nhiều thành tố, trong đó có hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, thì không thể không nhắc đến hệ giá trị gia đình, nơi được xem là thành trì vững chắc cho mỗi cá nhân hoàn thiện và phát triển.
Xem thêm: mth.880329003112202-cuhp-hnah-ioun-hnid-aig-irt-hnaht-uig/nv.ertiout