Bị cáo Nguyễn Minh Khải, cựu giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM - Ảnh: TUYẾT MAI
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt ông Nguyễn Minh Khải, cựu giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, 8-9 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bào chữa cho bị cáo Khải, luật sư Nguyễn Thành Công và luật sư Nguyễn Hải Vân cho rằng mức án viện đề nghị đối với bị cáo Khải là quá nặng, trong khi viện kiểm sát đánh giá rằng ông Khải là bác sĩ giỏi, có đóng góp lớn cho Bệnh viện Mắt TP.HCM, không vụ lợi.
Theo luật sư, ông Khải không chỉ đạo, định hướng hội đồng đánh giá hàng mẫu để chấm đạt hay không đạt đối với đơn vị dự thầu, nhằm loại nhà thầu Codupha. Điều này thể hiện qua lời khai của bị cáo Nguyễn Quốc Toản, Nguyễn Đỗ Nguyên, Võ Thị Chinh Nga là không có ai chỉ đạo về việc phải chấm ra sao, toàn bộ việc chấm hàng mẫu dựa vào kinh nghiệm của bản thân.
Những bị cáo khác khai ông Khải chỉ đạo loại nhà thầu Codupha là do nghe người khác nói lại và ngầm hiểu rằng đây là ý kiến của giám đốc bệnh viện. Do đó, cáo trạng dựa vào lời khai của các cá nhân này để chứng minh ông Khải có chỉ đạo, định hướng thầu, loại nhà thầu Codupha là không có cơ sở.
Thứ hai, luật sư cho rằng việc quyết định số lượng, cấu hình, giá thủy tinh thể đều do tập thể quyết định dựa trên sự bàn bạc, thống nhất, không phải là ý kiến cá nhân của ông Khải hay tự ông Khải quyết định.
Do đó, việc kết luận bị cáo Khải định hướng về cấu hình, số lượng, giá sản phẩm của gói thầu là không chính xác.
Thứ ba, luật sư cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng chưa phân định tách bạch thẩm quyền thực hiện và lựa chọn nhà thầu trúng thầu giữa hội đồng đánh giá hàng mẫu về chuyên môn và kỹ thuật, tổ chuyên gia, tổ thẩm định với trách nhiệm của ông Nguyễn Minh Khải - giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, chủ đầu tư đồng thời là bên mời thầu, từ đó đồng nhất trách nhiệm của các cá nhân này đối với ông Khải là không phù hợp.
Ông Nguyễn Minh Khải - đại diện chủ đầu tư - có trách nhiệm phê duyệt, thông qua kết quả mà tổ chuyên gia, tổ thẩm định, hội đồng đánh giá hàng mẫu đã lựa chọn để triển khai thực hiện gói thầu; không tham gia trực tiếp vào quá trình lựa chọn nhà thầu nên không có căn cứ cho rằng ông Khải can thiệp trái phép vào quá trình lựa chọn nhà thầu trúng thầu.
Bên cạnh đó, luật sư cũng cho rằng có sự mâu thuẫn giữa nội dung và kết luận giám định của hội đồng giám định, Bộ Y tế. Bởi, kết luận giám định chỉ đánh giá, kết luận 6 tiêu chí kỹ thuật.
Riêng tiêu chí số 7 "Ý kiến của hội đồng đánh giá hàng mẫu" không được giám định, do hồ sơ trưng cầu không có hàng mẫu mà các nhà thầu đã nộp kèm hồ sơ dự thầu nhưng lại đánh giá kỹ thuật thủy tinh thể giữa nhà thầu Codupha, Tâm Hợp, Hào Tín tương đương đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của hồ sơ mời thầu.
Trên thực tế, các sản phẩm có cùng đặc tính kỹ thuật với nhau, cùng tính năng sử dụng nhưng sản xuất từ những nước khác nhau, của các hãng khác nhau, giá thành khác nhau… thì chất lượng sản phẩm theo đó cũng khác nhau. Không thể có sản phẩm chất lượng cao mà giá rẻ.
Luật sư dẫn chứng hồ sơ mời thầu của Tâm Hợp, Hào Tín là chống tia UV, còn của Codupha là hấp thụ tia UV. Luật sư cho biết ông đã tham khảo một số chuyên gia về nhãn khoa và được biết sản phẩm chống tia UV tốt hơn sản phẩm hấp thụ tia UV.
Do đó, sản phẩm của nhà thầu Hào Tín, Tâm Hợp có sự khác biệt sản phẩm của Codupha.
Từ đó, luật sư cho rằng ông Khải không phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, mà có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
TTO - Sáng 30-11, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã luận tội đối với 8 bị cáo là bác sĩ Bệnh viện Mắt TP.HCM vi phạm quy định về đấu thầu, gây thiệt hại 14,2 tỉ đồng.