Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tại hội nghị tổng kết công tác Ngoại giao vaccine, chiều 30-11.
Theo thứ trưởng Bộ Y tế, vaccine được xác định là giải pháp mang tính chiến lược, bền vững trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Ngoại giao vaccine trở thành một "mặt trận" rất quan trọng vì có được vaccine là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm chủng phòng dịch COVID-19 lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.
Bà Hương cũng cho rằng, mặc dù hoạt động là "ngoại giao vaccine" và tên Tổ công tác của Chính phủ là "ngoại giao vaccine", nhưng trên thực tế, phạm vi hoạt động còn rộng hơn nhiều.
Đó là đẩy mạnh xúc tiến, vận động các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục viện trợ, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19 càng sớm, càng tốt.
Cùng với đó, nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, kết nối, thúc đẩy, đôn đốc các đối tác nước ngoài trong đàm phán, nhập khẩu và tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế; đẩy mạnh vận động các đối tác giao vaccine cho Việt Nam đúng hạn hoặc sớm hơn kế hoạch theo các thỏa thuận, hợp đồng đã ký.
Ngoại giao vaccine trở thành một "mặt trận" rất quan trọng vì có được vaccine là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm chủng phòng dịch COVID-19. |
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, bên cạnh việc đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan trong thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine, Bộ Y tế đã chủ động thực hiện một số giải pháp như: Họp trực tuyến, điện đàm, có thư gửi tới các đại diện của các quốc gia, tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để vận động viện trợ vaccine cho Việt Nam, đặc biệt là qua cơ chế COVAX.
Chủ động theo sát các thông tin khoa học, phê duyệt có điều kiện các vaccine để tiếp nhận hỗ trợ vaccine hỗ trợ qua cơ chế COVAX và các cơ chế song phương.
Đến ngày 29-11-2022, tổng số mũi tiêm tại Việt Nam là hơn 264 triệu mũi; tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đã đạt xấp xỉ 100%; tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đã đạt tương ứng 79,7% và 86,9%. Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã 91,5%.
“Việt Nam là một trong các nước có tỉ lệ tiêm vaccine cao trên thế giới với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dung đa dạng các loại vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau về trước trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19” – bà Hương nhấn mạnh.
Với số lượng vaccine, thuốc, trang thiết bị có được từ công tác ngoại giao vaccine đã góp phần quan trọng để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đưa Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vaccine phòng COVID-19, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vaccine cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm chủng mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp, không để lãng phí vaccine.
Ngày 11-10-2021, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 , chuyển trạng thái từ "Zero COVID", phòng chống dịch bằng các biện pháp hành chính sang phòng chống dịch bằng các biện pháp chuyên môn, nhất là vaccine.
Trước khi ban hành Nghị quyết 128, Chính phủ đã ban hành và thực hiện Chiến lược vaccine với 3 nội dung chính: Thành lập Quỹ Vaccine; triển khai ngoại giao vaccine với việc thành lập tổ ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Ngoại giao làm tổ trưởng, Bộ Ngoại giao là nòng cốt; tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho người dân với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.