Nếu như các quý trước, hàng chục nghìn người lao động tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải ngừng việc do doanh nghiệp không có đơn hàng thì sang đến quý cuối cùng của năm, doanh nghiệp lại tích cực mời gọi công nhân quay lại nhà máy và tăng tốc tuyển dụng lao động. Tăng cường thông tin về thị trường lao động, đa dạng hình thức kết nối cung - cầu nhân lực gắn với tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp đang được doanh nghiệp và các địa phương tập trung triển khai.
Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại. Công ty CP Tập đoàn Gia Định cho biết, công suất nhà máy đã đạt 100% và công nhân thậm chí đang phải tăng ca để kịp đơn hàng. Doanh nghiệp đang tuyển thêm 500 công nhân vì dự báo các tháng tới đơn hàng sẽ về thêm.
Là 1 trong số hơn 100 công nhân vừa được nhận vào làm việc, chị Linh cho biết, ngoài mức lương khởi điểm khoảng 6 triệu đồng/tháng, chị còn được tăng ca, thu nhập tăng thêm vài triệu đồng nữa.
Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định cho biết: "Tất cả người lao động là dài lâu, ổn định, không phải thời vụ và sau đó cho công nhân nghỉ việc. Để kịp, chúng tôi đã thông qua các trung tâm dịch vụ lao động để giúp chúng tôi có lượng lao động ổn định, chất lượng cao".
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Những tấm biển tuyển lao động xuất hiện phổ biến tại cổng các nhà máy, khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Nhiều doanh nghiệp tuyển với số lượng lớn từ 1.000 - 2.000 lao động. Dù vậy mới chỉ có khoảng 20% công nhân về lại nhà máy, vẫn còn hàng nghìn vị trí việc làm đang chờ người lao động.
Ông Kim Do Kyoung - Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Pungkook Saigon III cho biết: "Hiện chúng tôi cần tuyển dụng thêm 1.500 lao động nữa. Chúng tôi duy trì cho công nhân tăng ca, thêm giờ, vừa đảm bảo thu nhập cho người lao động, vừa kịp tiến độ đơn hàng. Chúng tôi cũng tăng cường chính sách cho người lao động, xây dựng cơ chế lương cạnh tranh và minh bạch cho từng vị trí".
Theo thống kê của ngành lao động, trong quý IV, hai địa phương cần nhiều lao động nhất là TP Hồ Chí Minh với hơn 80.000 vị trí làm việc, Bình Dương hơn 10.000 vị trí làm việc. 70% nhu cầu tập trung ở nhóm lao động có tay nghề cao, lao động phổ thông. Để kết nối người lao động với doanh nghiệp có nhu cầu, các địa phương đang liên kết với nhau để phân bố nguồn nhân lực đồng đều hơn.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tháng 11 này chúng tôi sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm giữa người lao động thành phố với các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ. Doanh nghiệp có nhu cầu thì liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm, chúng tôi giới thiệu miễn phí. Còn người lao động có nhu cầu tìm việc thì từ trước tới nay chúng tôi không thu phí".
Ngoài các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, sàn giao dịch trực tuyến sẽ liên tục cập nhật các vị trí việc làm mới để người lao động dễ tiếp cận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.694205110113202-man-aihp-gnod-oal-gnourt-iht-cas-iohk/et-hnik/nv.vtv