Những câu chuyện thương tâm liên quan đến người bị tâm thần
Theo Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện Việt Nam có khoảng hơn 200.000 người bị bệnh tâm thần nặng, trong khi cả nước chỉ có 26 trung tâm chăm sóc.
Quản lý người tâm thần tại cộng đồng, chăm sóc người tâm thần tại nhà là biện pháp được đẩy mạnh trong những năm gần đây, nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế.
Thậm chí ở một số quốc gia trên thế giới, việc chăm sóc người tâm thần tại nhà còn được cho là liệu pháp tâm lý, có hiệu quả trong việc giảm nhẹ các biểu hiện, triệu chứng kích động. Tuy nhiên thực tế tại Việt Nam việc này con đang phát sinh nhiều vấn đề, thậm chí là những câu chuyện thương tâm.
Bàng hoàng, đau xót là tâm trạng chung của những người dân đang sinh sống tại thôn Phú Khê, xã Phú Dương, TP Huế khi nhắc về vụ việc em N.T.T.N sau khi đi học về đã bị một đối tượng nghi mắc tâm thần dùng búa đánh đến chấn thương sọ não trên địa bàn.
Em N bị đối tượng nghi mắc tâm thần tấn công bằng búa gây thương tích nặng. (Ảnh: Tám Quang)
Tìm hiểu của phóng viên tại nơi sinh sống của đối tượng, được biết trước đó người này vẫn sinh hoạt bình thường và không có biểu hiện gì đặc biệt, tuy nhiên cách đây vài năm đối tượng từng có tiền sử sử dụng hung khí đe dọa người dân thế nhưng do chủ quan cùng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình chỉ để bệnh nhân ở nhà mà không đưa đi thăm khám, điều trị.
Còn tại tỉnh Bình Định, những ngày này khu xóm nhỏ ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn bao trùm sự tang thương, khi Hồ Thanh Cường, 34 tuổi đã dùng rựa chém chết cha và anh ruột, còn người mẹ bị đa chấn thương đang phải điều trị tích cực tại bệnh viện.
Khu xóm nhỏ ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn bao trùm sự tang thương
Có thể thấy đặc điểm chung của những vụ việc thương tâm trên đó là người thực hiện hành vi thường có biểu hiện bề ngoài khá bình thường, nhưng lúc lên cơn lại bộc phát hành động rất nguy hiểm, gây ra hậu quả đau lòng ít ai ngờ đến. Hệ lụy này đến từ công tác quản lý, giám sát, điều trị người bị tâm thần, có biểu hiện tâm thần trong mỗi gia đình và cộng đồng còn nhiều bất cập.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số) bị bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được chữa trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đang sinh sống trong cộng đồng và vẫn có nguy cơ gây án khi mất khả năng kiếm soát hành vi.
Cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho các gia đình có người tâm thần
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ người tâm thần, người có biểu hiện tâm thần hành hung người khác. Nạn nhân chủ yếu là người thân ruột thịt, họ hàng hay hàng xóm xung quanh. Trong các vụ việc, nạn nhân thường bị nhiều thương tích, do bị đâm, chém... Và cũng không ít vụ việc, nạn nhân đã tử vong thương tâm.
Những vụ việc này cho thấy rất nhiều hệ lụy từ việc chăm sóc người tâm thần tại nhà. Nhất là đối với những người bệnh chưa được điều trị dứt điểm, không được thăm khám thường xuyên.
Như đã đề cập, hiện Việt Nam có khoảng hơn 200.000 người bị bệnh tâm thần nặng, trong khi cả nước chỉ có 26 trung tâm chăm sóc. Ngoài ra người tâm thần được chăm sóc tại khoa tâm thần của các bệnh viện, hoặc trong các trung tâm bảo trợ xã hội... Tuy nhiên tất cả các cơ sở này cũng không thể đáp ứng được toàn bộ số bệnh nhân. Chưa kể đến bệnh nhân tâm thần thể nhẹ, tâm thần phân liệt. Tất cả các cơ sở chăm sóc bệnh nhân tâm thần đều đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Nhiều cơ sở chăm sóc bệnh nhân tâm thần đều đang trong tình trạng quá tải
Bệnh viện Tâm thần Bình Định mỗi ngày tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận. Từ khi có quy định trạm Y tế cấp xã không được cấp phát thuốc cho bệnh nhân tâm thần thì bệnh viện này trở nên quá tải.
Thời gian qua, đã có những trường hợp người bệnh tâm thần sống cùng gia đình và gây ra những vụ việc đáng tiếc. Đa phần việc giám sát hành vi của người tâm thần ngoài xã hội hiện chỉ trông vào gia đình người bệnh.
Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc điều trị bệnh nhân tâm thần đó chính là thiếu nguồn nhân lực y, bác sỹ chuyên ngành tâm thần, cũng như thiếu cơ sở chuyên khoa tâm thần chuyên biệt để điều trị cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú khi số lượng bệnh nhân đang ngày càng tăng lên theo từng năm.
Chăm sóc người tâm thần tại cộng đồng không chỉ là xu hướng ở Việt Nam, mà còn được nhiều nước trên thế giới hướng tới. Tuy nhiên để chăm sóc người tâm thần tại nhà, ngoài sự phối hợp của các nhân viên y tế, những người trong gia đình còn được trang bị các kiến thức y tế cơ bản để ứng phó, thậm chí là kỹ năng tự vệ, khống chế khi người tâm thần bị kích động. Đây là những kỹ năng mà hầu hết các gia đình có người tâm thần ở nước ta chưa được trang bị.
Cơ quan chức năng cũng cần xem xét trong thời gian tới, đó là hiện vẫn chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần, trong trường hợp họ còn chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bởi nếu để xảy ra những hành vi nguy hiểm rồi mới yêu cầu chữa bệnh, thì sẽ là quá muộn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!