Diện tích trồng lúa thực tế tại nhiều địa phương khu vực ĐBSCL cũng tăng so với kế hoạch ban đầu, khi giá lúa liên tục tăng nóng và đứng ở mức cao.
Chuyển diện tích cây trồng khác sang trồng lúa
Từng chuyển 5 công đất sang trồng sen lấy củ từ năm 2021 khi giá lúa bấp bênh, từ đầu năm 2023, gia đình ông Lâm Yếu (xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) lại bỏ trồng sen, cải tạo đất để quay lại với cây lúa khi thấy giá lúa tăng mạnh.
"Vụ hè thu rồi, giá lúa lên tới hơn 7.500 đồng/kg nên cũng có lợi nhuận chút đỉnh. Nếu giá lúa lúc nào cũng được như vậy, nông dân như tui sẽ rất vui, không bao giờ bỏ cây lúa", ông Yếu cho hay.
Ông Trần Vĩnh Nghi - chi cục phó phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng - cho hay thời gian qua giá lúa ổn định ở mức khá cao, đảm bảo cho người trồng lúa có lợi nhuận từ 30% trở lên.
Nhờ giá lúa tăng mạnh, thị trường tiêu thụ tốt nên diện tích trồng lúa ở Sóc Trăng đã mở rộng. Một số diện tích trồng sen, cây ăn lá... được nông dân chuyển đổi trồng lúa.
Chẳng hạn, trong kế hoạch vụ hè thu 2023, Sóc Trăng xuống giống 138.000ha, nhưng thực tế diện tích trồng lúa đạt gần 141.000ha.
Riêng vụ thu đông tăng gần 4.000ha so với cùng kỳ năm ngoái. Kế hoạch vụ đông xuân 2023 - 2024, Sóc Trăng xuống giống 171.000ha. "Giá lúa năm 2023 liên tục tăng, nông dân rất phấn khởi. Và theo tôi, giá lúa sẽ còn tốt hơn nhờ có nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo", ông Nghi nói.
Ông Lê Hữu Toàn - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - cho biết vụ thu đông năm 2023, Kiên Giang đã gieo trồng được 85.139,4ha và đã thu hoạch được 58.620ha, năng suất bình quân ước đạt trên 5,4 tấn/ha.
Tính chung cả năm 2023, tổng diện tích gieo trồng 712.856ha, vượt 1,84% so với kế hoạch. Tương tự, diện tích lúa tại An Giang cũng tăng 6% so với kế hoạch.
Giá lúa gạo sẽ duy trì ở mức cao
Một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho hay địa phương đã xuống giống với diện tích 157.219ha, đạt 106,13% kế hoạch đề ra. Đến nay đã thu hoạch hơn 18.000ha lúa vụ thu đông, đạt 11,49% diện tích xuống giống, với năng suất bình quân khoảng 5,75 tấn/ha.
Theo ghi nhận, giá lúa tươi hiện nay tăng mạnh. Trong đó, giống lúa có giá thấp nhất dao động từ 8.600 - 8.800 đồng/kg, cao nhất (Nàng Hoa 9) có giá 8.800 - 9.000 đồng/kg.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cho hay gạo Việt đang "sốt giá" trở lại do nhu cầu trên thị trường thế giới tăng cao. Trong đó, gạo thơm của Việt Nam có chất lượng ngày càng vượt trội nên được nhiều thị trường nhập khẩu ưa chuộng.
Ngoài ra, vụ thu đông của Việt Nam có sản lượng thường thấp hơn nhiều so với các vụ khác, chưa kể đã vào cuối vụ nên lượng lúa trong dân giảm dần, giá bị đẩy tăng cao.
Ông Trương Văn Chính - giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính (Đồng Tháp) - cho biết trước biến động về giá như vụ mùa vừa qua doanh nghiệp gặp khó khăn về vấn đề thu mua, nhất là về vốn vẫn chưa có chính sách nào hỗ trợ cho doanh nghiệp nên phải tự xoay xở.
"Do khó tiếp cận các chính sách về vốn của Chính phủ, các doanh nghiệp phải xoay xở để tự nâng cấp máy móc, mở rộng nhà máy để đáp ứng yêu cầu của đối tác", ông Chính nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thái Bình - chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - cho rằng giá lúa trong nước đã chạm mốc tối đa rồi, do lượng lúa thu đông không còn nhiều.
Tuy nhiên, giá các loại mặt hàng khác đã tăng liên tục, trong khi giá lúa gạo mới tăng một lần này thôi. "Từ nay đến cuối năm, giá lúa gạo không thể giảm mà chỉ có thể tăng, trừ khi đến vụ đông xuân tới, lượng lúa gạo nhiều thì giá sẽ chựng lại mới bán được", ông Bình nói.
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cao nhất lên tới 728 USD/tấn
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sau khoảng 10 ngày đứng giá, ngày 31-10 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng thêm 5 - 10 USD/tấn tùy loại. Cụ thể, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 10 USD/tấn, lên mức 653 USD/tấn. Gạo 25% tấm tăng 10 USD/tấn, lên 638 USD/tấn. Gạo Jasmine cũng tăng thêm 5 USD/tấn, lên mức 728 USD/tấn.
Đây là mức giá cao nhất của gạo Việt Nam trong vòng hơn 15 năm trở lại đây. Giá gạo xuất khẩu neo ở mức cao, giá lúa trong nước cũng tăng liên tục.
Trong tuần từ 19 đến 26-10, giá lúa thường tại ruộng tiếp tục tăng 186 - 307 đồng/kg so với tuần trước.
Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng cao nhất ở mức 8.650 đồng/kg, giá bình quân ở mức 8.507 đồng/kg. Giá lúa thường cao nhất tại kho 10.200 đồng/kg, giá bình quân 9.725 đồng/kg.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 10-2023 của Việt Nam đạt 700.000 tấn, với kim ngạch 433 triệu USD, tăng 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ đầu tư dự án muốn chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phải đăng ký nhu cầu sử dụng đất tại UBND cấp huyện, nơi thực hiện dự án.