Ngày 2-11, phản ánh với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Ngói, ngụ xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang - cho biết nhiều ngày qua bà con ở xã Bình An và xã Bình Trị gửi đơn khắp nơi "tố" Nhà máy xi măng Insee Hòn Chông cho nổ mìn khai thác đá vôi làm ô nhiễm môi trường.
Dân khốn khổ vì nhà máy xi măng nổ mìn
Theo bà con, gần đây lịch trình nổ mìn khai thác đá của Nhà máy dày đặc (khoảng 2-3 lần/ngày), trữ lượng thuốc nổ mỗi lần khai thác khá lớn. Mỗi lần nổ mìn gây chấn động nhà cửa, bụi bay mù mịt làm đảo lộn cuộc sống của bà con.
"Nhà máy xi măng Insee Hòn Chông đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình tôi. Ở đây chưa có nước sạch mà phụ thuộc vào nước mưa. Tuy nhiên, khói bụi mù mịt nên không hứng được nước mưa mà phải mua nước giá 130.000 đồng/m3.
Riêng nhà tôi xài nước gần 1 triệu đồng/tháng. Bà con đề nghị khắc phục hoặc hỗ trợ ra sao để bà con an tâm sinh sống. Vì nhà máy hoạt động nhưng bà con bị ảnh hưởng rất nhiều", ông Ngói nói.
Còn cụ Lâm Văn Tâm, 70 tuổi, ngụ ấp Núi Mây, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương - cho hay hai đứa con gái và 5 đứa cháu ngoại của cụ không chịu được khói bụi đã phải đóng cửa nhà ra thị trấn Kiên Lương thuê nhà trọ ở.
"Cách nay 7 ngày, Insee nổ mìn làm hai cục đá rơi xuống nhà tôi (nhà cách núi 80m - PV) nên tôi đã giữ lại để yêu cầu công ty có cách bồi thường cho gia đình tôi.
Vợ chồng già yếu rồi không thể sống trong thấp thỏm như vậy được. Bữa đó, mấy chục người kéo ra đòi công ty hỗ trợ bồi thường nhưng công ty né hết. Còn xã Bình An hứa tuần này đến tuần khác nhưng không giải quyết cho bà con", cụ Tâm nói.
Nổ đá phải chấp nhận khói bụi
Ông Trần Bình Trọng - chủ tịch UBND xã Bình An - cho biết địa phương có nhận đơn của ông Ngói, cụ Tâm và hơn chục người dân khác xung quanh việc Nhà máy Insee bắn đá làm ảnh hưởng đến bà con.
Qua quá trình kiểm tra của các sở, ngành tỉnh thì cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật trong khai thác đá.
"Bắn đá dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng khói bụi, ô nhiễm môi trường đối với bà con trong khu vực. Còn bà con phản ánh việc nổ mìn làm đá văng tới nhà bà con là phản ánh 1 chiều, địa phương chỉ ghi nhận.
Riêng nhà của cụ Tâm chỉ cách chân núi khoảng 80m, còn cách vị trí bắn gần 300m là phù hợp. Vụ việc đang được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thụ lý giải quyết. Sắp tới, địa phương sẽ tính đến việc kéo nước sạch cho bà con khu vực này nhưng hiện nay số lượng dân ở đây rất ít nên sẽ khó", ông Trọng nói.
Đại diện Công ty Insee cho hay sau khi nhận được phản ánh của nhiều hộ dân huyện Kiên Lương, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang tiến hành giám sát ảnh hưởng nổ mìn tại khu vực mỏ đá Bãi Voi - Khoe Lá - Nhà máy xi măng Hòn Chông.
"Tất cả các bãi nổ thực hiện, thiết bị đo đều ghi nhận được tín hiệu. Các thông số máy ghi nhận được đều dưới ngưỡng cho phép.
Các bãi nổ được quan sát trực tiếp xuất hiện đá văng xa dưới 100m. Với kết quả ghi nhận tại thời điểm giám sát, quy mô, phương pháp nổ của các bãi đá không có khả năng gây hư hại đến công trình lân cận", đại diện Công ty Insee nói.
TTO - Khoảng cách an toàn tối thiểu khi sử dụng vật liệu nổ tại mỏ đá ở huyện Anh Sơn, Nghệ An là 200m đối với công trình nhưng mỏ đá này cho nổ mìn làm đá bay vào nhà dân ở khoảng cách tới 500m.