Việt Nam cần phải đầu tư hệ thống xạ trị proton điều trị ung thư được cho là nhu cầu tất yếu và cấp bách trong ba bối cảnh: Tỉ lệ mắc ung thư mới ở Việt Nam tăng cao, công nghệ điều trị ung thư hiện có lạc hậu - xuống cấp và đặc biệt một lượng lớn người Việt phải ra nước ngoài điều trị.
Việt Nam chưa có máy xạ proton nào
Dẫn số liệu từ Tổ chức ung thư toàn cầu (Globocan) cách đây gần ba năm, ông Nguyễn Tri Thức nói mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 169.547 ca ung thư mới mắc và trong đó khoảng 60% bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị.
Đặc biệt, ước tính có 5% số bệnh nhân trên (khoảng 8.938 ca) có chỉ định xạ trị proton tại nhóm một theo khuyến cáo nêu trên của Hội xạ trị ung thư Mỹ (ASTRO).
Tuy vậy, tại Việt Nam chưa có máy xạ proton điều trị ung thư công nghệ cao nào.
Trong khi đó, cả nước chỉ có 84 máy gia tốc hạt tuyến tính (xạ trị linac) đang phục vụ điều trị cho quy mô 100 triệu dân và mới đáp ứng 60-70% nhu cầu xạ trị cơ bản.
Nhiều máy gia tốc đã hoạt động từ 10-15 năm và thường xuyên bị hỏng hóc, ảnh hưởng tới công tác điều trị.
Theo ông Thức, dựa trên dự tính mỗi buồng proton điều trị cho khoảng 300 bệnh nhân/năm, Việt Nam cần phải đầu tư lắp đặt thêm 35 - 40 máy xạ trị điều trị bằng proton mới có thể đạt được tiêu chí tối thiểu một máy xạ trị/một triệu dân của Chính phủ và Bộ Y tế đề ra.
"Xạ trị proton là phương pháp điều trị hiệu quả cao, giảm nguy cơ ung thư thứ cấp do tia xạ nhờ khả năng tập trung liều tia xạ chính xác vào khối u, đồng thời hạn chế tối đa liều tới các tổ chức lành quanh khối u. Từ đó, nâng cao chất lượng sống, bảo tồn chức năng cơ quan cho người bệnh" - ông Thức đánh giá.
Ngoài ra, việc xạ trị bằng proton sẽ giúp tăng khả năng kiểm soát khối u; điều trị hiệu quả, an toàn ở các bệnh nhân cần xạ trị lại (thất bại sau xạ trị gia tốc). Đặc biệt là mang lại hiệu quả ưu việt cho điều trị ung thư ở trẻ em, giảm nguy cơ ung thư thứ phát ở bệnh nhân trẻ em.
Có hệ thống xạ trị proton sẽ ngăn người bệnh ra nước ngoài?
Theo ông Thức, hiện các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan) đều đã và đang ứng dụng rộng rãi kỹ thuật xạ trị proton nhằm nâng cao chất lượng điều trị ung thư.
Tính đến năm 2023, thế giới đang có 123 trung tâm xạ trị proton hoạt động, trong đó Mỹ đứng đầu với 43 trung tâm, kế đến Nhật Bản 26 trung tâm, Trung Quốc 7 trung tâm.
Việc không có được kỹ thuật điều trị tiên tiến này cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân trong nước mắc ung thư có nhu cầu điều trị chất lượng cao phải ra nước ngoài điều trị.
Chủ yếu đến các nước như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan với chi phí hàng năm rất lớn, tốn kém hàng tỉ USD.
Do đó, việc đầu tư xây dựng các trung tâm ung thư chất lượng cao được trang bị các hệ thống máy xạ trị tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới, đặc biệt là xạ trị proton là một vấn đề cấp bách.
Trước mắt, ông Thức kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm thành lập hai trung tâm xạ trị proton tại Hà Nội và TP.HCM để người bệnh ung thư có thể hưởng thụ được các tiến bộ của khoa học.
"Các bác sĩ có thể tiếp cận kỹ thuật này sau sáu tháng được đào tạo ở nước ngoài. Điều này giúp thu hút bệnh nhân ung thư yên tâm điều trị trong nước, không phải đi nước ngoài điều trị, giúp tiết kiệm chi phí ngoại tệ cho đất nước" – ông Thức đề xuất.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - khẳng định việc đầu tư trang bị hệ thống xã trị ung thư proton là điều rất cần thiết, điều này mang lại lợi ích cho cả người bệnh và các bác sĩ, trong việc điều trị bệnh hiệu quả, cũng như nâng tầm kiến thức thực hành y khoa trong xạ trị.
"Đây là bước tiến rất lớn về khoa học, nếu chỉ dựa vào một bệnh viện đầu tư sẽ rất khó bởi rất đắt đỏ. Do đó cần sự vào cuộc từ nhiều cơ quan, đơn vị và nếu Việt Nam có được hệ thống xạ trị proton này cũng sẽ giúp hạn chế lượng bệnh ung thư phải ra nước ngoài điều trị" - ông Dũng nói.
8 loại ung thư có lợi ích khi điều trị bằng xạ trị proton
Xạ trị proton là kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài tiên tiến nhất hiện nay. Kỹ thuật này cho phép đưa một liều tia xạ tối ưu chính xác vào khối u, kể cả những khối u có hình dạng phức tạp nằm gần những cơ quan lành nhạy cảm với tia xạ.
Đặc biệt, khi khối u nằm gần các tổ chức nguy cấp (OAR), xạ trị proton là phương pháp điều trị tối ưu nhất
Xạ trị này sẽ khắc phục được điểm yếu của xạ trị gia tốc tuyến tính hiện nay, đó là phần lớn liều tia xạ tập trung ở điểm chiếu vào cơ thể và làm tổn thương tổ chức lành, trong khi không đủ liều hiệu quả tới khối u.
Đáng chú ý có ít nhất 8 loại ung thư, gồm ung thư tuyến tiền liệt, mắt, não, đầu, cổ, phổi, thực quản, vú, gan và ung thư ở trẻ em.
Nhóm nhà khoa học trường Đại học New South Wales và Đại học Công nghệ Sydney của Australia mới đây đã phát hiện ra cách các tế bào ung thư “vô hiệu hóa” liệu pháp điều trị ung thư thông thường.