Phê duyệt 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia
Ngày 1.11, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1277/QĐ-TTg phê duyệt 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, với 10 loại khoáng sản, gồm: Than năng lượng, quặng chì kẽm, quặng apatit, quặng cromit, quặng titan, quặng bauxit, quặng sắt laterit, đá hoa trắng, cát trắng và quặng đất hiếm.
Đối với các giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép trước ngày ban hành quyết định này, mà không thuộc khoáng sản dự trữ (nêu trên) thì tiếp tục thực hiện.
Các khu vực có khoáng sản không thuộc loại khoáng sản dự trữ nêu tại điều 1 của Quyết định 1277/QĐ-TTg đã được đưa vào quy hoạch mà chưa cấp phép thăm dò, khai thác (hoặc chưa đưa vào quy hoạch) thì được quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định của pháp luật về khoáng sản, nhưng không được ảnh hưởng đến khoáng sản đã khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Cơ hội phát triển kinh tế ven biển cho Bình Thuận
Theo một chuyên gia về kinh tế ở Bình Thuận, Quyết định 1277/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tháo được "nút thắt" về dự trữ khoáng sản titan cho Bình Thuận.
"Trong nhiều năm qua, Bình Thuận đã liên tục kiến nghị T.Ư điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với titan. Trong đó, kiến nghị đưa ra khỏi dự trữ diện tích bên biển để tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội địa phương, giảm bớt sự chồng lấn quy hoạch titan lên các quy hoạch kinh tế khác. Và điều đó, nay mới trở thành hiện thực", một cán bộ của tỉnh Bình Thuận cho biết.
Cũng theo cán bộ này, trước đây (ngày 6.5.2014) Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 645/QĐ-TTg khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Trong đó, Bình Thuận có diện tích dự trữ tới 82.700 ha.
Từ quyết định trên, địa phương không thể chấp thuận các dự án đầu tư trên vùng dự trữ khoáng sản titan và đã tạo ra "điểm nghẽn" trong thời gian dài.
Mặt khác, Quyết định 645/QĐ-TTg lại không cụ thể thời gian dự trữ là bao nhiêu năm. Trong khi diện tích dự trữ titan của Bình Thuận là rất lớn, chồng lấn lên nhiều quy hoạch kinh tế ngành khác.
Như vậy, tại Quyết định 1277/QĐ-TTg ngày 1.11.2023 của Thủ tướng Chính phủ đã giảm diện tích dự trữ titan của Bình Thuận từ 82.700 ha, xuống còn 54.317 ha (đưa ra ngoài quy hoạch dự trữ 28.383 ha).
Mặt khác, quyết định của Thủ tướng quy hoạch còn chia vùng dự trữ titan của Bình Thuận thành 12 khu vực, với thời gian thành 3 loại là 30 năm, 50 năm và 70 năm. Có 2 khu vực với tổng diện tích 7.984 ha có thời hạn 30 năm. Có 6 khu vực với tổng diện tích 31.326 ha có thời hạn 50 năm và có 4 khu vực với tổng diện tích 16.577 ha có thời hạn là 70 năm.
Hầu hết các vùng dự trữ titan đều nằm ở vùng đất ven biển từ Tuy Phong đến Hàm Tân của Bình Thuận. Đây là những vùng đất năng động, tiềm năng lớn phát triển các dự án về năng lượng, du lịch, bất động sản.
"Việc Chính phủ đưa ra ngoài khu vực dự trữ khoáng sản titan tới hơn 28.383 ha và quy định cụ thể thời gian từng vùng dự trữ là cơ hội để Bình Thuận chấp thuận các dự án kinh tế tầm cỡ, góp phần thúc đẩy kinh tế, nhất là vùng ven biển trong những năm tới"- một chuyên gia kinh tế tại Bình Thuận nêu.