SSI, VND, HCM là cơ hội đầu tư đáng quan tâm để giải ngân
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý III/2023 top 20 công ty chứng khoán hàng đầu đạt 42,7% so với quý trước và 101,3% so với cùng kỳ nhờ đà tăng tốt của thị trường trong quý III cũng như sự cải thiện đáng kể của thanh khoản.
Mảng cho vay ký quỹ là mảng có đóng góp lớn nhất trong hoạt động của các công ty chứng khoán với tỷ trọng 41%/tổng lợi nhuận gộp. Tăng trưởng quý III/2023 đạt 15.0% so với quý trước sau 3 quý liên tiếp tăng trưởng âm.
Mảng tự doanh tiếp tục có kết quả kinh doanh tốt với tỷ trọng đóng góp vào tổng lợi nhuận gộp tiếp tục tăng, đạt 34% nhờ đà tăng tốt của thị trường trong quý II và quý III.
Mảng môi giới có kết quả kinh doanh phục hồi tốt, tăng 71% so với quý trước nhờ thanh khoản thị trường được cải thiện tuy nhiên chưa thể cao trở lại như giai đoạn 2021 và nửa đầu năm 2022.
Sau nhịp giảm mạnh của thị trường giai đoạn vừa qua, nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán đã giảm về dưới mức P/B trung bình 5 năm.
Theo quan điểm của KBSV, với mức nền thấp vào quý IV/2022 và nửa đầu năm 2023 cùng với đó là thông tin KRX đi vào vận hành vào cuối năm sẽ là động lực đáng kể cho tăng trưởng của nhóm ngành chứng khoán trong thời gian tới. Các cổ phiếu có mức P/B dưới trung bình, thị phần nằm trong nhóm dẫn đầu cùng nền tảng kinh doanh tốt như SSI, VND, HCM sẽ là cơ hội đầu tư đáng quan tâm để giải ngân trong thời gian tới.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TPB
CTCK MB (MBS)
Trong quý III/2023, tổng thu nhập hoạt động Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB – sàn HOSE) tăng 12% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ thu nhập ngoài lãi tăng mạnh 22%. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp 4 lần đã kéo lợi nhuận sau thuế giảm 26%, đạt 1.263 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng ghi nhận 3.969 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 16%, hoàn thành 57% kế hoạch cả năm.
Tính đến cuối quý III/2023, tín dụng tăng 7,2% so với đầu năm, trong đó dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,8%, trong khi TPDN giảm mạnh 26,6%. Như vậy có nghĩa tín dụng quý III/2023 chỉ tăng 0,4% so với quý trước, đây cũng là một trong những quý có mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất của TPB.
Chúng tôi dự báo tín dụng 2023 của TPB đạt 9,5%. NIM cải thiện nhẹ 10 điểm cơ bản so với quý II/2023 lên mức 3,64%. Nguyên nhân chủ yếu là do TPB bắt đầu hạ lãi suất huy động từ tháng 5/2023 đến nay, khiến chi phí huy động (CoF) giảm 11 đcb so với quý trước. Chúng tôi kỳ vọng NIM của TPB đã tạo đáy trong quý II/2023 và sẽ cải thiện trong thời gian tới (2023F: 3,7%; 2024F: 3,8%).
Tỷ lệ nợ xấu quý III/2023 của TPB tăng lên 3,0% từ mức 2,2% cuối quý II/2023 và 0,84% cuối năm 2022. Nợ nhóm 2 tăng 0,26% so với quý trước; chiếm 3,8% trên tổng dư nợ cuối quý III/2023. Mặc dù chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh gấp 4 lần so với cùng kỳ, và dự phòng sử dụng để xử lý rủi ro nợ xấu giảm so với cùng kỳ nhưng tỷ lệ LLR suy giảm xuống còn 47% cuối quý III/2023 (quý II/2023: 61%; 2022: 135%).
Chúng tôi dự báo lợi nhuận của TPB sẽ tăng 25% so với cùng kỳ trong quý IV/2023 từ nền thấp cùng kỳ năm ngoái qua đó kéo lợi nhuận cả năm 2023 lên mức 5.875 tỷ đồng (giảm 6%).
Lợi nhuận sau thuế 2024 dự kiến sẽ tăng 12,6% nhờ (i) NIM cải thiện (tăng 10 đcb so với năm trước); và (iii) cầu tín dụng cải thiện (tăng 12%). Chúng tôi khuyến nghị mua với giá mục tiêu 19.200 đồng/cp. Rủi ro giảm giá: 1) Tăng trưởng tín dụng thấp hơn dự kiến, 2) NIM giảm nhanh hơn kỳ vọng.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVS
CTCK Vietcap (VCSC)
Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) thêm 0,5% lên 43.700 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua.
Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi đến từ việc chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo giai đoạn 2023-2027 thêm 0,1% (tăng lần lượt 0,2%/1,1%/0,8% cho năm 2023/2024/2025).
Điều này do: 1) chúng tôi tăng dự báo giá trị hợp đồng M&C đầu tiên của dự án Lô B từ 400 triệu USD lên 500 triệu USD và 2) chúng tôi giả định PVS sẽ hoàn thành việc xây dựng cho Lô B vào năm 2027 (sớm hơn 1 năm so với dự báo trước đây của chúng tôi) sau tiến triển gần đây của dự án này. Những yếu tố tích cực này bù đắp cho khối lượng công việc của dự án Lạc Đà Vàng bị trì hoãn từ năm 2024 sang năm 2025/26 và chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận ròng trung bình giai đoạn 2023-2027 cho FSO Biển Đông từ 85 tỷ đồng xuống 21 tỷ đồng.
Chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2023 thêm 0,2% lên 927 tỷ đồng (tăng 5% so với năm trước) chủ yếu do dự báo thu nhập tài chính cao hơn bù đắp cho dự báo lợi nhuận thấp hơn từ FSO Biển Đông.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2024 sẽ tăng 32% so với năm trước, chủ yếu do dự báo doanh thu M&C sẽ tăng hơn gấp đôi lên 19 nghìn tỷ đồng, nhờ sự phục hồi của các hoạt động thăm dò & khai thác (E&P) trong nước và đóng góp từ các dự án điện gió ngoài khơi mới.
Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 21% trong giai đoạn 2022-2025, được hỗ trợ bởi dự báo backlog M&C giai đoạn 2023-2027 của chúng tôi là 5,7 tỷ USD và lợi nhuận trung bình từ các liên doanh FSO/FPSO đạt 493 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2028.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HPG
CTCK SSI (SSI)
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát hiện đang giao dịch ở mức P/E dự phóng cho năm 2023/2024 lần lượt là 22,5x và 12,4x và EV/EBITDA dự phóng cho năm 2023/2024 lần lượt là 8,5x và 6,8x.
Mặc dù chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống 27.300 đồng/cổ phiếu (từ 28.500/cổ phiếu) do điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận, nhưng chúng tôi nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu từ trung lập lên khả quan do giá cổ phiếu đã điều chỉnh về mức hấp dẫn hơn.
Chúng tôi chuyển cơ sở định giá sang năm 2024 và tăng P/E và EV/EBITDA mục tiêu lần lượt lên 14,5x và 8x, phản ánh kỳ vọng của chúng tôi về tăng trưởng lợi nhuận mạnh hơn trong năm 2024.
Chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu điều chỉnh có thể tạo cơ hội cho nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu với mục tiêu đầu tư dài hạn. Rủi ro giảm đối với khuyến nghị là giá thép thấp hơn hoặc nguyên liệu đầu vào cao hơn giả định.