Ngày 2-11, tại buổi ra mắt Quỹ đầu tư nhượng quyền - Go Global Franchise Fund (GGFF) ở TP.HCM, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành GGFF, cho biết quỹ đầu tư này dành riêng cho các start-up, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành nhượng quyền và cấp phép tại thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Từ trước đến nay, nhượng quyền luôn được xem là một kênh đầu tư hiệu quả, cần có trong danh mục đầu tư của nhiều người. Tuy nhiên với việc phải tự quản lý, vận hành, có không ít nhà đầu tư, nhất là những người chỉ quan tâm đến mô hình đầu tư tài chính, gặp không ít khó khăn.
Sự ra đời của quỹ đầu tư chuyên ngành nhượng quyền như GGFF giúp các nhà đầu tư tham gia vào ngành chủ động hơn nhưng không cần phải trực tiếp tham gia vận hành, quản lý chi nhánh nhượng quyền qua việc ủy thác việc đầu tư cho quỹ.
GGFF là quỹ đầu tiên, duy nhất cho đến hiện tại ở thị trường Việt Nam. Ở các thị trường có ngành nhượng quyền và cấp phép phát triển như Bắc Mỹ, Tây Âu và Bắc Á, mô hình quỹ đầu tư này hoạt động hiệu quả.
GGFF mở ra cơ hội đầu tư vào các thương hiệu và công ty nhượng quyền cho các nhà đầu tư theo ba hình thức. Đầu tư mua chứng chỉ quỹ (CCQ) của GGFF và nhận lợi suất cố định hằng năm, nhận lãi theo ngày và được chuyển quyền sở hữu CCQ khi cần thanh khoản.
Đầu tư vào một quỹ nhượng quyền cố định do GGFF thành lập. Và đầu tư mua CCQ có thể hoán đổi thành cổ phần của các công ty do Go Global Holdings đầu tư và sở hữu.
Về việc chọn doanh nghiệp để đầu tư, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cho biết GGFF ưu tiên đầu tư vào các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của Công ty Go Global Holdings, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ngoài việc đầu tư trực tiếp, GGFF cũng cung cấp dịch vụ cho vay tài chính để các doanh nghiệp này mở rộng hệ thống chi nhánh bằng hình thức tự sở hữu song song với việc cấp phép nhượng quyền cho đối tác.
Bà Nguyễn Phi Vân, chủ tịch Go Global Holdings, cho biết nhượng quyền là ngành xuất khẩu có giá trị nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình đi ra nước ngoài, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do xuất phát thị trường nội địa còn nhỏ, chưa biết về nhượng quyền chuyên nghiệp.
Ngày càng có nhiều mô hình kinh doanh, sản phẩm thương mại của Việt Nam phát triển thành chuỗi và lên kế hoạch nhượng quyền ra toàn cầu. Đây là xu thế ngược lại hoàn toàn so với trước đây.