Có những cô, cậu học trò rất lễ phép 'em chào cô!' mỗi lần gặp. Tôi như bao thầy cô giáo khác gật đầu chào lại các em, thỉnh thoảng có kèm theo cái gật đầu là mỉm cười thân thiện.
Nhưng cũng có nhiều em tảng lờ nhìn qua hướng khác, có em dù đối mặt thầy cô cũng coi như chưa hề quen biết. Cũng có em... tránh từ xa cho đỡ chạm mặt, để khỏi chào thầy cô.
Bỗng nhớ lại ngày xưa, tôi từng được cô giáo chào mình trước. Đó là cô Đông - cô giáo dạy văn của tôi.
Ngày ấy, tôi là đứa nhút nhát. Rất sợ thầy cô nên tôi thường tránh thầy cô từ xa. Một lần, vừa bước vào cổng trường chạm mặt cô, tôi run bắn. Chưa kịp phản ứng gì thì cô đã cười, nụ cười thật hiền: "Cô chào em!". Ôi là cô chào mình, tôi cúi đầu đáp lại: "Em chào cô ạ!".
Từ đó, cô thường đáp lại lời chào của tôi bằng lời nói thật dịu dàng và nụ cười thật trìu mến: "Cô chào em!". Tôi không cảm thấy sợ cô nữa mà ngược lại, giống như các bạn khác, chúng tôi thích chào cô để thấy cô cười đáp lại.
Giờ đây, đã là một cô giáo tôi mới thực sự nhận ra đằng sau câu "Cô chào em", đằng sau nụ cười hiền từ ấy là một bài học về cách ứng xử thật sâu sắc.
Cô đã dùng chính hành động của mình để giáo dục chúng tôi, những cử chỉ rất đỗi giản đơn, đời thường mà thấm thía, khiến chúng tôi nhớ mãi.
Sáng nay gặp cậu học trò, tôi đã dịu dàng "Cô chào em!" khi nhận ra em đang cố ý tránh mặt tôi. Vậy mà điều kỳ diệu đã xảy ra, em lễ phép ngả mũ, cúi đầu: "Em chào cô ạ!".
Em còn có thêm những câu chào cô thân thiết nữa, những câu chào khiến một cô giáo như tôi cảm thấy thật hạnh phúc với nghề cầm phấn của mình.
Chợt nhận ra một điều đối với những cô cậu học trò của mình, không có cách giáo dục nào hiệu nghiệm hơn là chính người thầy hãy làm gương trước.
Cô giáo mầm non cho các bé được tùy ý chọn cách chào hỏi và đáp lại đó là những hành động, nụ cười vô cùng yêu thương của cô dành cho các em.