Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra trong khuôn khổ hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam" diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 3/11.
Theo Bộ Công thương, tháng 10, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu 700.000 tấn gạo, đạt 433 triệu USD, tương đương tháng 10 năm trước nhưng giá trị tăng 27%. 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ USD; lần lượt tăng 17% về lượng, 35% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến đầu tháng 11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam có giá 653 USD trong khi Thái Lan là 560 USD và Pakistan 563 USD mỗi tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD, Thái Lan giá 520 USD và Pakistan giá 488 USD mỗi tấn...
Thị trường lúa, gạo đang có nhiều biến động và luôn trong xu hướng tăng. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trước tình hình giá gạo Việt Nam tăng nóng như hiện nay, dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều đã hủy hợp đồng, nhất là với đơn vị năng lực tài chính yếu.
Với những doanh nghiệp lớn đang giao hàng gần xong, nhằm giữ chữ tín với đối tác, họ bắt buộc mua gom giá cao để đủ hàng hoàn thành hợp đồng. Đây là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao.
"Giá gạo tăng nóng còn do các nhà cung ứng tác động, mỗi khi giá gạo nhích lên một chút thì họ góp phần đẩy giá lên thêm và kết quả là giá gạo Việt Nam đang cao ở mức kỷ lục", Phó chủ tịch VFA nói. Doanh nghiệp Việt Nam đã quen ký các hợp đồng xuất khẩu có thời gian giao hàng ít nhất từ 1-3 tháng nên bây giờ đa phần lo mua gạo để giao cho đối tác.
Theo ông Nam, giá gạo tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế vì khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn và chất lượng tương đương gạo Việt Nam. Từ đó dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường gạo thơm vào tay doanh nghiệp Thái Lan vì giá gạo nước này đang rất cạnh tranh với gạo thơm Việt Nam.
Cụ thể là các gói thầu của Bulog (của Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia) doanh nghiệp Việt Nam hầu như không thắng do giá gạo trong nước đang rất cao và loại gạo mà Bulog gọi thầu là loại 5% đang khan hiếm.
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc công ty TNHH Lương thực Phương Đông, cho rằng giá gạo Việt Nam như hiện nay là quá cao, chưa từng có, tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Các doanh nghiệp hiện giờ không dám trữ hàng. Các thương lái cũng vậy, nếu không có hợp đồng.
Nếu Ấn Độ quay lại xuất khẩu gạo thì giá mặt hàng này có thể lao dốc rất nhanh. Vì thế, giai đoạn này hơi khó kinh doanh với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vì nguy cơ thua lỗ cao.
Bà Trần Thanh Bình (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) nhận định Ấn Độ sẽ còn duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo sang năm 2024 vì nước này đang chuẩn bị bầu cử, để đảm bảo an ninh lương thực và những tác động của thời thời tiết.
Sau năm 2024, khi Ấn Độ dỡ lệnh cấm, theo ông Việt Anh, mặt bằng giá gạo sẽ giảm sâu. Doanh nghiệp tồn kho nhiều gạo đã mua giá cao trước đó sẽ lỗ.
Ông Phạm Quang Diệu, Công ty nghiên cứu thị trường AgroMonotor, cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 có khả năng đạt 8 triệu tấn. Như vậy sang năm 2024, tồn kho sẽ rất mỏng nên các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng nếu không sẽ rất rủi ro.
"Ký hợp đồng nhiều (thời gian giao hàng 1-3 tháng) nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp, thiếu vốn, không có lượng tồn kho đảm bảo... khi giá bật lên lại gặp khó khăn", chuyên gia này nói và cho rằng cũng cần lưu ý Ấn Độ có thể quay lại thị trường.
Trong năm tới, đại diện Bộ Công Thương cho biết cơ chế chính sách xuất khẩu gạo sẽ hoàn thiện hơn, có sự cạnh tranh công bằng hơn, siết chặt chế tài đối với thương nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, bổ sung điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng vùng nguyên liệu.
Hiện lúa tại miền Tây có giá từ 7.800 đến gần 10.000 đồng mỗi kg (tùy loại), tăng khoảng 2.000-3.500 đồng mỗi kg so 4 tháng trước và cao nhất từ trước đến nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2023 sản lượng lúa đạt 43-43,4 triệu tấn, tăng 650.000-700.000 tấn so với 2022. Ngoài nguồn cung xuất khẩu, Việt Nam vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Tính đến ngày 25/10, vụ Thu Đông còn khoảng 400.000 ha chưa thu hoạch, tương đương gần 2,2 triệu tấn thóc sẽ thu hoạch từ nay tới hết tháng 12. Vụ Đông Xuân 2023-2024, cả nước dự kiến gieo trồng gần 3 triệu ha, sản lượng đạt hơn trên 20 triệu tấn.
An Bình