Đề nghị này được Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutosh nêu khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, chiều 3/11.
Ông Nishimura Yasutosh bày tỏ mong muốn hai bên hợp tác, triển khai các dự án "đầu tàu", mang tính dẫn dắt trong các lĩnh vực mũi nhọn, như sản xuất chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học. Nhật cũng muốn hợp tác với Việt Nam trong khảo sát, khai thác, chế biến đất hiếm và phát triển các ngành công nghiệp liên quan.
Ông cũng nói Nhật sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Việt Nam thông qua các các nhóm công tác để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là trong chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Hai bên cũng tăng cường hợp tác cơ chế đa phương, nhất là CPTPP.
Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh việc hai bên lập các tổ công tác để thúc đẩy hợp tác và giao các bộ, ngành xây dựng kế hoạch, dự án cụ thể để triển khai các thỏa thuận đã đạt được.
Ông khẳng định Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đến đầu tư và đề nghị phía Nhật hỗ trợ để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của nước này.
Việt Nam đặt mục tiêu tới 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, hiệu quả. Trong bối cảnh này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vốn và nâng cao năng lực quản trị để Việt Nam phát triển các lĩnh vực này.
Lãnh đạo Chính phủ cũng muốn Nhật hỗ trợ, cấp vốn vay ODA thế hệ mới cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam, như dự án đường sắt tốc độ cao. Cùng đó, Nhật xem xét đơn giản hóa thủ tục cấp visa, hướng tới miễn visa cho người Việt Nam vào Nhật Bản và tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản sinh sống, học tập và làm việc.
Trước đó, hồi tháng 5, Việt - Nhật đã ký 3 dự án hợp tác ODA với tổng trị giá 61 tỷ yen (khoảng 500 triệu USD).
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu về đầu tư, thương mại. Nước này cũng cung cấp các khoản vay ưu đãi ODA lớn nhất cho Việt Nam, với khoảng 2.980 tỷ yen (21,6 tỷ USD), gồm ODA vốn vay, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ hợp tác kỹ thuật từ năm 1992. Viện trợ ODA của Nhật Bản chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam. Các khoản vay ODA thế hệ mới sẽ có ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt hơn trước.
Anh Minh