Chương trình trao học bổng Tiếp sức đến trường và giao lưu nghệ thuật Bay lên giấc mơ Tây Nguyên do báo Tuổi Trẻ cùng tỉnh đoàn 5 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum phối hợp tổ chức.
"Em thương chị, em thương cả ước mơ của em"
Đêm trao học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 cho 90 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Tây Nguyên đã để lại những cảm xúc khó tả về nghị lực phi thường của các tân sinh viên vượt đại ngàn trên hành trình đi tìm con chữ…
Bạn Trần Hoàng Khang - tân sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên, ở xã biên giới Ea Rvê (Ea Súp, Đắk Lắk) - xúc động cho biết được nhận học bổng báo Tuổi Trẻ là niềm hạnh phúc vô cùng lớn với bạn. "Đây là món quà khích lệ mình, cho thấy rằng những nỗ lực của bản thân luôn được trân trọng", Khang xúc động.
Buổi trao học bổng còn mang đến một bầu không khí xúc động cho nhiều học sinh, sinh viên tham dự và xem truyền hình trực tiếp qua những câu chuyện của hai tân sinh viên tham gia giao lưu.
Hành trình đến giảng đường của hai sinh viên nghèo, mồ côi ở Tây Nguyên
Đó là Ka Xuân ở làng K'Brạ (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) bị phán là quái thai, suýt bị bỏ đi. Nay Ka Xuân đã bước chân vào giảng đường ngành công tác xã hội của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM với đầy sự tự tin và mạnh mẽ.
"Ở đâu đó, khắp các buôn làng, việc thiếu hiểu biết khiến những câu chuyện thương tâm xảy ra chỉ vì lời đồn ác miệng của ai đó.
Mình muốn học ngành công tác xã hội để đi sâu vào những buôn làng, tuyên truyền về nếp sống văn minh, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu", Ka Xuân nói.
Và chỉ hai năm trước thôi, lẽ ra Xuân đã học đại học vào năm 2021, nhưng cô chấp nhận tạm dừng việc học để đi làm kiếm tiền hỗ trợ chị gái Ka Hậu (khi đó đang học năm thứ hai ngành y của Trường đại học Tây Nguyên, Đắk Lắk).
Kể lại hành trình nghị lực của mình trong nước mắt, Ka Xuân đã nói "Em thương chị, em thương cả ước mơ của em" khi Ka Xuân tiếp tục theo đuổi ước mơ học đại học của mình.
Còn bạn Triệu Đức Minh - tân sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM - mất bố từ khi mới 2 tuổi, mẹ vất vả thường phải đi làm ăn xa, chị gái đi lấy chồng, nên Minh tự vẽ đời mình bằng niềm đam mê con chữ.
Minh kể, hồi bố mất, mẹ hay ôm vào lòng thủ thỉ, lớn lên con phải làm công an, đi bắt những người xấu đã làm hại bố. Ước mơ của cậu bé 2 tuổi cứ hình thành dần nhưng do nghèo, vết sẹo nhỏ trên má không xóa được nên bạn không thể khám sức khỏe. "Mình chọn đi đường vòng để theo đuổi ước mơ", Minh tâm sự.
Thấu cảm với nghị lực tuổi 18
Phát biểu tại buổi trao học bổng, nhà báo Trần Gia Bảo - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết đêm nay đã được nghe thêm những câu chuyện xúc động, vượt khó đi tìm tri thức của những nghị lực ở đại ngàn.
"Đó là hình ảnh những cô cậu học trò dưới những cơn mưa rừng đi đào măng, mót bắp cho chặt bụng, qua cơn đói để vững chân tới trường, học lấy con chữ để chạm tay đến ước mơ. Thấu cảm và thương các em vô cùng", bà Bảo xúc động.
Được đóng vai trò là nhịp cầu kết nối vạn tấm lòng tiếp sức cho bao lớp trí thức trẻ vững bước vào đời, bà Gia Bảo thay mặt báo Tuổi Trẻ gửi lời tri ân sâu sắc đến các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, các đơn vị tỉnh đoàn đã chung sức làm nên sức sống của học bổng Tiếp sức đến trường.
"Chúng tôi cũng muốn gởi lời cảm ơn đến 90 sinh viên có mặt trong chương trình hôm nay vì đã truyền năng lượng tích cực đến những bạn trẻ khác. Các em là những bông hoa đẹp giữa đại ngàn, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần hiếu học…", bà Bảo tin tưởng.
Tiếp lời, ông Y Biêr Niê - phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - nói rất xúc động vì chính trong hoàn cảnh khốn khó, nhiều em học sinh đã vượt lên để học giỏi. "Tôi rất xúc động khi biết được nhiều trong số các sinh viên hôm nay đã vượt qua nhiều gian truân bằng chính nỗi khát khao học tập và nghị lực của chính mình", ông Y Biêr khích lệ.
Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng cho biết theo dõi và thấy rằng học bổng, với sự hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân đã giúp hàng vạn sinh viên không đơn độc trên hành trình vượt khó, chinh phục con chữ.
"Học bổng này hết sức ý nghĩa vì giúp sinh viên khó khăn có cơ hội bước vào giảng đường để thực hiện ước mơ của mình, tích lũy kiến thức để lập thân - lập nghiệp. Mong các em nhận học bổng hôm nay, nếu có cơ hội, hãy sẵn lòng quay lại góp sức cùng chương trình để tiếp sức cho những hoàn cảnh giống như mình", ông Y Biêr đặt niềm tin.
Còn ông Ngô Văn Đông - chủ tịch Quỹ "Đồng hành nhà nông", tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền - khẳng định chính những tấm gương nghị lực đeo đuổi đến cùng giấc mơ giảng đường, với con chữ cũng giúp ông và tập thể có thêm động lực.
"Bất kể người trao hay người nhận học bổng khi đến với chương trình Tiếp sức đến trường luôn nhận được nguồn động lực rất đặc biệt và đầy mạnh mẽ.
Những suất học bổng tuy giá trị chưa lớn nhưng phần nào giúp các tân sinh viên thêm tự tin bước đầu với chặng đường mới. Từ đó càng nỗ lực hơn trong học tập, trở thành người có ích cho xã hội. Mong rằng từ sự tiếp sức đầy nghĩa tình này, các em sinh viên sẽ tiếp tục bền chí để chinh phục chặng đường đại học và trưởng thành hơn", ông Đông mong mỏi.
Những hình ảnh của lễ trao học bổng:
Đêm trao học bổng được diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh - truyền hình Đắk Lắk (DRT), tiếp sóng trên Đài phát thanh - truyền hình Gia Lai và Đắk Nông, và Tuổi Trẻ Online.
Học bổng Tiếp sức đến trường tại khu vực Tây Nguyên là điểm trao thứ 9 trên cả nước trong năm 2023 của báo Tuổi Trẻ. Tổng kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng, Quỹ "Đồng hành nhà nông" (Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền) tài trợ hơn 1,2 tỉ đồng, Công ty BuyMed/thuocsi.vn tài trợ 200 triệu đồng.
Trong số 90 tân sinh viên được trao học bổng (15 triệu đồng/suất) lần này có 2 tân sinh viên nhận 2 học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất/4 năm học; chương trình cũng trao thêm laptop cho 4 sinh viên thiếu thiết bị học tập và 8 suất học bổng tiếng Anh khóa luyện thi IELTS.
Học bổng Tiếp sức đến trường đã bước sang năm thứ 21 và trong mùa 20 vừa qua, đã có hơn 23.000 tân sinh viên được hỗ trợ, với tổng số tiền hơn 179 tỉ đồng.
Năm 2023, tiếp tục xét trao học bổng cho hơn 1.200 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, với tổng kinh phí hơn 19 tỉ đồng.
'Mới hơn 1 tuổi được bố đưa về, 10 tuổi bố lại bỏ đi là chừng ấy năm "mẹ cả" nuôi mình khôn lớn, cho ăn học để hy vọng sẽ nên người, thoát khỏi cảnh nghèo'.