Hãng Bloomberg cho hay, trong bối cảnh các thông tin về chiến lược friendshoring (đặt cơ sở sản xuất ở các quốc gia bạn bè) của Mỹ cùng với việc tái thiết chuỗi cung ứng toàn cầu, Ấn Độ, Việt Nam và Mexico là 3 cái tên nhận được rất nhiều sự chú ý.
Một quốc gia trước đây vốn được xem là “con hổ châu Á” lại không được nhắc tới. Đó là Thái Lan.
Từng được xem là "con hổ" châu Á kế tiếp
Bốn thập kỷ trước, Thái Lan đã vượt lên dẫn đầu vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc mới bắt đầu trỗi dậy. Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đổ vào nhiều tiền đến mức quốc gia Đông Nam Á này được mệnh danh là Detroit (quê hương của ngành công nghiệp ôtô nước Mỹ) của châu Á.
Vào thập niên 1990, Thái Lan nổi bật nhờ sự ổn định chính trị trong một khu vực vừa phải trải qua sự tàn phá của chiến tranh. Tỷ giá hối đoái tương đối ổn định và chế độ thuế hấp dẫn là những điểm cộng khác.
Năm 1990, quốc gia này đạt mức tăng trưởng hai con số. Một bài bình luận trên tờ New York Times tuyên bố đây là “con hổ” tiếp theo và có “sự phấn khích trước một cường quốc kinh tế và chính trị mới nổi ở Bangkok.”
Tuy nhiên, theo Bloomberg, khoảng thời gian đó dường như đã qua.
Tình hình bất ổn trong 30 năm qua khiến Thái Lan dường như không có khả năng thoát khỏi vị thế là một quốc gia có thu nhập trung bình.
Từng vượt xa Trung Quốc về mức độ giàu có bình quân đầu người, ngày nay nước này đã tụt lại phía sau.
Chắc chắn là Thái Lan tiếp tục theo đuổi chiến lược thiên về xuất khẩu. Quốc gia này vẫn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nhưng bức tranh lớn hơn là Thái Lan đã tụt lại phía sau. Ví dụ, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã cao hơn Thái Lan trong những năm gần đây và có thể sớm tăng gấp đôi, với dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) từ năm 2022 cho thấy thu nhập bình quân của người Trung Quốc ở mức 12.720 USD so với 6.909 USD của Thái Lan.
Đi sau Việt Nam 4 năm trong một thỏa thuận với EU
Theo Bloomberg, có nhiều vấn đề lý giải cho sự chậm lại của Thái Lan. Sự ổn định tương đối trong những năm 1990 không được duy trì trong những thập kỷ tiếp theo, khiến cả nước mất tập trung vào việc thiết lập và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn.
Thương mại là một ví dụ điển hình về điều này. Trong khi hầu hết các nước láng giềng của Thái Lan đã ký kết hoặc đang thực hiện các thỏa thuận mới thì Thái Lan tụt lại phía sau.
Các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu chỉ được tái khởi động trong năm nay, kể từ khi cuộc đảo chính năm 2014 khiến họ phải dừng lại. Trong khi đó, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) vào 4 năm trước và có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Hiện nay, Thái Lan cũng đứng ngoài Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thỏa thuận có sự tham gia của một loạt các nền kinh tế Đông Á.
Sự thiếu cam kết đã gây ra hậu quả, Bloomberg đánh giá. Thái Lan thu hút FDI ít hơn so với các nền kinh tế trong khu vực là Việt Nam, Malaysia và Indonesia, và năm ngoái nước này có tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong số các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á.
Việc không mở rộng quy mô sản xuất một cách dứt khoát hơn đã khiến gần 1/3 lực lượng lao động của Thái Lan vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, so với chưa đến 1/4 ở Trung Quốc. Và sự phụ thuộc tương đối vào du lịch khiến nền kinh tế Thái Lan gần như phải hứng chịu sự tàn phá do tác động của đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, nhân khẩu học đang không có lợi cho Thái Lan. Trong số 67 triệu cư dân sống ở các đô thị, có 12 triệu người già. Điều này không có lợi cho lĩnh vực sản xuất ngày càng phụ thuộc vào lực lượng lao động phải xử lý các công nghệ mới và phức tạp.
Manu Bhaskaran, đối tác sáng lập của công ty tư vấn chính sách Centennial Asia Advisors tại Singapore, bình luận: “Nền kinh tế vi mô từ dưới lên của Thái Lan rất mạnh trong quá khứ, nhưng chúng tôi không thấy loại năng lượng kinh doanh và khởi nghiệp trong không gian công nghệ mà chúng tôi đang thấy ở Việt Nam [và] Indonesia".