Tôm hùm bông hiện chiếm khoảng 20% sản lượng tôm hùm được thả nuôi tại các tỉnh Nam Trung Bộ, với sản lượng khoảng 600 tấn mỗi vụ.
Tuy nhiên trái ngược với giá tôm hùm xanh, 2 tháng nay, người nuôi tôm hùm bông đang gặp khó khăn vì đầu ra không có và giá giảm mạnh, chỉ ngang ngửa với giá tôm hùm xanh. Trong khi thời gian nuôi, chi phí nuôi và giá con giống đầu vào với tôm hùm bông rất lớn. Bán lỗ là điều người nuôi tôm hùm bông phải chấp nhận thời điểm này.
Tại Phú Yên, thời điểm này, nhiều ngư dân đang xuất bán tôm hùm nhằm tránh bão, nhưng hiện tại mức giá khá thấp khiến ngư dân lo lắng.
Từ 2,2 - 2,4 triệu đồng/kg vào tháng 8,hơn 1 tháng nay, giá tôm hùm bông tại các tỉnh Nam Trung Bộ giảm chỉ còn 1,1 triệu đồng/kg với loại 1, còn loại 2 ở mức 1 triệu đồng và có loại chỉ còn 750.000 đồng/kg. Một mức giá theo những người nuôi tôm hùm bông sẽ lỗ rất nặng.
Tại 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, sản lượng tôm hùm bông chiếm khoảng 20% sản lượng tôm hùm các loại. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Theo tính toán của ngư dân, chu kỳ nuôi tôm hùm bông kéo dài hơn tôm hùm xanh đến hơn 6 tháng, tức phải mất 14 tháng, tôm hùm bông mới đạt kích cỡ từ 0,7 - 1 kg một con mới bán được. Trong khi đó giá con giống cao, tỷ lệ hao hụt lớn nên giá 1 kg tôm hùm bông phải đạt 1,4 triệu đồng/kg, ngư dân mới lãi. Tuy nhiên, hiện không phải ngư dân nào cũng bán được tôm, trong khi thương lái hạn chế mua, đã vậy nếu bán được thì tôm bị thải xuống loại 2, loại 3 rất nhiều.
Tại 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, sản lượng tôm hùm bông chiếm khoảng 20% sản lượng tôm hùm các loại với khoảng 600 tấn mỗi vụ.
Riêng tại Khánh Hòa, hiện tôm hùm bông đạt kích cỡ thu hoạch từ 0,7 kg/con trở lên tồn đọng khoảng 200 tấn, trong đó khoảng 70 tấn là tôm loại 1.
Xuất khẩu chính ngạch tôm hùm thông qua hợp tác xã
8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm khoảng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhiều thương lái cũng như ngành thủy sản các tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa..., hiện phía Trung Quốc đang hạn chế việc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch đối với các mặt hàng nông, lâm và thủy sản, trong đó có mặt hàng tôm hùm bông.
Như vậy rõ ràng, để tránh tình trạng bấp bênh trong xuất khẩu tôm hùm, vấn đề sống còn là phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch. Bởi thực tế hiện nay, có đến 90% tôm hùm Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch, nên thường xuyên gặp rủi ro đầu ra.
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu là hợp tác xã dịch vụ tổng hợp tôm hùm đầu tiên ở Phú Yên, thành lập đầu năm nay với 35 xã viên tham gia và phần lớn họ là ngư dân nuôi tôm hùm. Ban đầu, xã viên đã thấy được lợi ích khi trở thành xã viên của hợp tác xã.
Từ đầu năm đến nay, HTX đã thu hoạch khoảng 120 tấn tôm hùm, trong đó 30 tấn của các xã viên và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính. Để nâng giá trị cho tôm hùm, HTX đang tổ chức theo hướng hoàn thiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và mục tiêu cuối cùng là đưa tôm hùm xuất khẩu chính ngạch.
"Đầu vào tìm hàng chất lượng, đầu ra bên phía Trung Quốc mình xây dựng mã vùng để xuất khẩu chính Ngạch, không lệ thuộc doanh nghiệp khác", ông Trần Văn Thơm, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu, Phú Yên, cho biết.
Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên có khoảng 99.600 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng tôm đã thu hoạch trong năm nay gần 2.000 tấn. Việc ra đời HTX Dịch vụ Tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu chính là cách để tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng chuỗi giá trị để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới.
VTV.vn - Cần phải giải quyết vấn đề quản lý nguồn giống tôm hùm nhập khẩu và kiểm soát nguồn giống trôi nổi để đảm bảo chất lượng, giảm thiệt hại cho bà con.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.34912711140113202-aum-uht-hcahk-e-nav-hnam-aig-tor-gnob-muh-mot/et-hnik/nv.vtv