Ngày 4-11, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã có kết luận giữ lại nguyên trạng hai nền móng công trình kháng Pháp ở làng Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu.
Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã triệu tập cuộc họp để nghe ý kiến, đánh giá của các đơn vị liên quan đến hai công trình đồn Chơn Sảng, trạm Nam Chơn.
Ngoài việc giữ lại nguyên trạng hai di tích kháng Pháp này, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao cùng các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đo đạc tổng thể đối với hai công trình được hình thành từ cách đây 200 năm.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online đã có loạt bài Di tích kháng Pháp hơn 200 năm: Địa phương xin giữ, sở muốn dời đi.
Theo đó, vào tháng 8 vừa qua, khi lấy ý kiến đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía tây tại khu vực liên quan đến hai công trình này, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng cho rằng nên lựa chọn vị trí phù hợp để phục dựng mô hình kiến trúc hiện trạng và trình chiếu phim bằng công nghệ 3D.
Trong khi đó chính quyền địa phương cấp phường và quận lại tha thiết mong muốn gìn giữ hai công trình này.
Theo đánh giá của giới khoa học lịch sử, hai di tích này được ghi chép rất đậm nét trong chính sử, do có liên quan đến những trận đánh của quan quân triều Nguyễn khi chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha giai đoạn 1858-1860.
Nhiều công trình kháng Pháp được Đà Nẵng đưa lên vị thế xứng đáng
Liên quan đến những di tích trong buổi đầu kháng Pháp trên đất Đà Nẵng, hiện nay rất nhiều công trình ý nghĩa lịch sử đã được công nhận, trả lại vị thế xứng đáng. Thành Điện Hải đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Hải Vân Quan, Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hòa Vang đã được xếp hạng là di tích quốc gia.
Nghĩa trang Y Pha Nho (núi Sơn Trà) - nơi chôn cất những binh sĩ liên quân Pháp và Tây Ban Nha tử nạn - cũng đang được lập hồ sơ để trở thành một di tích.
Đồn Chơn Sảng, trạm Nam Chơn (làng Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) là công trình phòng thủ quân sự của triều Nguyễn được xây dựng từ cách đây hơn 200 năm.