Thông tin được ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết tại họp báo Chính phủ chiều 4/11.
Trước đó, theo kết luận thanh tra cung ứng điện của Bộ Công Thương, EVN và một số đơn vị đã vi phạm một số nội dung, khiến ảnh hưởng tới cung ứng và thiếu điện trong mùa khô 2023, như chậm đầu tư hoàn thành một số nguồn và lưới điện. Tập đoàn này cũng không đảm bảo dự trữ nguồn nguyên liệu sơ cấp, điều độ hệ thống điện và cân đối các nguồn điện; vi phạm chỉ đạo điều hành và lập lịch điều độ, để gián đoạn nguồn cung ứng điện trên diện rộng ở khu vực miền Bắc.
Ông Hùng đánh giá EVN thực hiện đúng nội dung kết luận thanh tra, với mức kỷ luật nghiêm túc và phù hợp.
Theo đó, EVN đã kiểm điểm tại 24 đơn vị trong tập đoàn, 85 tập thể, 161 cá nhân có liên quan. Trong đó, tập đoàn này làm rõ trách nhiệm thực hiện xử lý kỷ luật một số nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý, gồm kỷ luật khiển trách với một Phó tổng giám đốc phụ trách điều độ hệ thống điện. Giám đốc, hai Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cũng chịu kỷ luật khiển trách. Hiện quá trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đã thực hiện theo quy định của trung ương và cơ bản hoàn tất.
Riêng trường hợp kỷ luật của nguyên Chủ tịch EVN và Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc EVN, ông Hùng cho hay, Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp đang báo cáo Chính phủ, do vượt thẩm quyền.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói bộ này cũng kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị thuộc Bộ có liên quan tới kết luận thanh tra. Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban, EVN khắc phục hậu quả, tránh lặp lại sai sót chỉ ra trong kết luận.
Từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, miền Bắc thường xuyên bị mất điện. Nguyên nhân là lượng điện tiêu thụ tăng mạnh trong khi thủy điện, một trong hai nguồn cung chính, bị sụt giảm huy động do hạn hán. Nhiều doanh nghiệp có nhà máy tại các khu công nghiệp phía Bắc vì thế bị cắt điện trong nhiều giờ, liên tục trong tuần.
World Bank ước tính, phí tổn kinh tế của các đợt mất điện tháng 5, 6 vừa qua khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP. Mặt khác, dựa vào ước tính việc thiếu hụt nguồn cung đến tháng 6, World Bank đánh giá nhu cầu năng lượng không được đáp ứng cũng sẽ dẫn đến tổn thất về doanh thu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam khoảng 75 triệu USD.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về cung ứng điện, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết để cung ứng đủ điện cuối năm 2023 và cả 2024, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng một số giải pháp.
Cụ thể, đảm bảo cung ứng nguồn nhiên liệu đầu vào như than, khí, dầu để sản xuất điện và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn lưới điện, đặc biệt đường đây 500kV Quảng Trạch, điều độ vận hành hệ thống điện một cách tối ưu.
"Cần đẩy mạnh khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống điện mái nhà, khẩn trương rà soát để trình ban hành Quy hoạch điện VIII", ông Tân nói.
Bộ này cho biết đã yêu cầu EVN nâng cao dự báo, xây dựng kịch bản đối phó với tín hiệu cực đoan, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế, sinh hoạt người dân.
Ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thông tin thêm tại cuộc họp Thường trực Chính phủ tuần trước về giải pháp đảm bảo đủ điện cho sản xuất, kinh doanh 3 tháng cuối năm 2023 và 2024, Thủ tướng yêu cầu không để thiếu điện trong mọi tình huống. Lãnh đạo Bộ Công Thương, các tập đoàn EVN, PVN và TKV cũng khẳng định sẽ đảm bảo được, nên "chúng ta yên tâm đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng".
Về giá điện, Thứ trưởng Công Thương nói, đang được điều hành theo Quyết định 24, trong đó giá bán lẻ điện bình quân được tính toán trên cơ sở chi phí các khâu trong quy trình sản xuất cung ứng điện như phát điện, truyền tải điện, phân phối, dịch vụ hỗ trợ.
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng trên 3%, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng, và ngược lại. Hiện Bộ này đang trình Thủ tướng quyết định sửa đổi Quyết định 24 để lộ trình điều chỉnh giá mặt hàng này phù hợp hơn.
Anh Minh