5 diễn đàn trong Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM lần VII có chủ đề: Xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh thực sự là người bạn của sinh viên, Tình nguyện xây dựng và phát triển thành phố, Nâng cao đời sống thể chất và sức khỏe tâm thần cho sinh viên, Vươn ra biển lớn tự tin hội nhập, Sinh viên với bản sắc văn hóa.
Hãy là chính mình
Chia sẻ cùng sinh viên tại diễn đàn Vươn ra biển lớn tự tin hội nhập có thạc sĩ Trần Nhật Minh - nhạc trưởng, trưởng đoàn hợp xướng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM và thạc sĩ Nguyễn Thành An (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) - Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM.
Thạc sĩ Thành An nói người trẻ nên dành thời gian tìm hiểu bản thân, biết học hỏi điều tích cực từ những người xung quanh, sống đúng với lứa tuổi sẽ giúp bạn "bung" được năng lượng và sức trẻ. Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, anh An nói để bước ra thế giới, việc đầu tiên cần làm là kiên trì, học hỏi từ thất bại, dám bước ra khỏi vùng an toàn.
Trong khi đó, thạc sĩ Nhật Minh nói anh nhìn âm nhạc như một cách giúp mọi người kết nối, hội nhập dễ dàng và nhẹ nhàng hơn. Nhạc trưởng trẻ tuổi nhấn mạnh để tiến đến mục tiêu nhanh, hiệu quả hơn, các bạn trẻ cần quản trị cảm xúc.
"Tôi thấy hiện các bạn trẻ rất dễ dàng biểu lộ, thậm chí bị khủng hoảng cảm xúc, nhất là cảm xúc tiêu cực. Mong mỗi bạn hiểu bản thân hơn, biết mình nên dành năng lượng cho việc gì là quan trọng", anh Minh nói.
Bạn Lý Hoàn Trân (Nhạc viện TP.HCM) nói sinh viên đam mê tìm hiểu và mong muốn phát triển văn hóa nhưng chưa nhiều cơ hội tìm hiểu sâu. Trân đề xuất Hội Sinh viên các trường liên kết tạo ra những chương trình quảng bá, giúp sinh viên tìm hiểu, học hỏi về văn hóa truyền thống.
Tương tự, bạn Hoàng Ngọc Dung (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) mong các trường liên kết thu thập, tổng hợp dữ liệu và quảng bá nét văn hóa của người dân tộc thiểu số nhiều hơn nữa.
Lắng nghe để hiểu và chia sẻ
Tại diễn đàn Nâng cao đời sống thể chất và sức khỏe tâm thần cho sinh viên, TS Nguyễn Văn Tường - phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) - nói để thực hiện hiệu quả việc chăm sóc sức khỏe tâm thần ngoài công tác dự phòng, nâng cao nhận thức, mỗi bạn trẻ cần rèn cho mình khả năng thích nghi, quản lý thời gian, tài chính và các mối quan hệ xã hội.
Bạn Thùy Dung (ĐH Y Dược TP.HCM) nói một khảo sát gần đây có trên 50% sinh viên TP có vấn đề sức khỏe tâm lý và sức khỏe dinh dưỡng. Theo Dung, cần thành lập các phòng tham vấn, tư vấn tâm lý, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng, làm talkshow chia sẻ phương pháp vượt qua áp lực học tập cho sinh viên.
Trong khi đó, thảo luận tại đại hội, bạn Đào Hải Nhật Tân (ĐH Fulbright Việt Nam) cho biết có nghiên cứu được công bố khoảng 14% sinh viên Việt Nam đang đối mặt các vấn đề sức khỏe tinh thần khác nhau. Theo Tân, ngoài kết nối với chuyên gia, có thể ngăn ngừa bằng cách mở rộng tủ sách về sức khỏe tâm thần giúp các bạn tìm hiểu, có thông tin.
"Có thể mở rộng chuỗi hoạt động của Hội Sinh viên trường, đầu tư dự án nghiên cứu về sức khỏe tâm thần, tâm lý sinh viên, cuộc thi, từ đó xây dựng cẩm nang chiến lược hành động", Nhật Tân chia sẻ.
Còn Ngọc Hân (Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM) nói nên tìm hiểu nhu cầu của sinh viên thật sự là gì. Từ đó, khi thiết kế các hoạt động, chiến dịch truyền thông đủ "chạm", giúp các bạn thực sự muốn tham gia chứ không phải đến dự chuyên đề xong rồi về mà không giải quyết được gì.
Để sinh viên đóng góp nhiều hơn
Nguyễn Thành Đạt (Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) nói nhiều sinh viên có nguyện vọng tham gia song trùng lịch học nên khó đến với hoạt động tình nguyện. Theo Đạt, cần sự phối hợp nhịp nhàng hơn của các đơn vị khi thiết kế chương trình, chiến dịch tình nguyện phù hợp để thu hút nhiều bạn hơn.
Góc nhìn khác, Lâm Võ Hữu Duy (Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM) nói nên tiếp tục mời gọi, động viên những Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM, những người có sức ảnh hưởng tham gia các hoạt động tình nguyện cùng sinh viên TP để tăng tính lan tỏa đến sinh viên. Quan trọng là hoạt động cần gắn liền với chuyên ngành, có nội dung cụ thể, gần gũi đời sống. Đồng thời phải tận dụng tốt sức mạnh cộng đồng, các kênh mạng xã hội tạo sức bật lớn hơn cho tình nguyện.
TS Vũ Văn Hiệu (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) nói có nhiều yếu tố, phương thức giúp tổ chức Hội đẩy mạnh, nâng chất các hoạt động tình nguyện. Theo ông Hiệu, ngoài xem sinh viên là trung tâm, Hội Sinh viên cần tập trung ba điều là sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, vai trò chủ chốt tổ chức Đoàn - Hội và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng.
"Các nội dung, chương trình tình nguyện phải bắt đầu từ nhu cầu, mong đợi của sinh viên. Có vậy mới khơi dậy sức sáng tạo, sức mạnh, đặc biệt là khơi dậy tinh thần phụng sự Tổ quốc của người trẻ chính là một trong những điều vô cùng quý giá", TS Hiệu nói.
1 công trình, 3 chương trình, 2 đề án của Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM lần VII
Nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM xác lập thực hiện công trình Cổng dữ liệu số về phong trào học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM.
Cùng với đó có ba chương trình: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong sinh viên TP.HCM; Hội Sinh viên Việt Nam thành phố tham gia xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước giai đoạn 2023 - 2028; Sáng kiến sinh viên.
Hai đề án của nhiệm kỳ: Hỗ trợ sinh viên tiếp cận các nguồn tín dụng phục vụ học tập giai đoạn 2023 - 2028, Nâng cao năng lực cán bộ Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM giai đoạn 2023 - 2028.
Phiên làm việc đầu tiên của Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM lần VII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) vừa bắt đầu sáng nay, ngày 4-11.