Bà là người đã tham gia tư vấn, viết hồ sơ TP sáng tạo của UNESCO cho cả Hà Nội, Đà Lạt (Lâm Đồng) và Hội An (Quảng Nam). Theo bà, việc các TP của VN gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có tác động gì đến chấn hưng văn hóa?
Các tiêu chí của hồ sơ xin gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO đòi hỏi sự tham gia của nhiều đối tượng và cả chính quyền TP ở các lĩnh vực mà TP đó đăng ký.
Với hồ sơ âm nhạc của Đà Lạt chẳng hạn, đòi hỏi sự tham gia của nghệ sĩ, của nhà sản xuất, doanh nghiệp, cộng đồng người dân tộc thiểu số ở địa phương, giới nghiên cứu, hệ thống trường phổ thông, cao đẳng… Họ cũng phải tìm kiếm, cam kết thực hiện những giải pháp cụ thể để phát triển lĩnh vực mình đăng ký hồ sơ. Giải pháp đó cũng phải có tính khả thi, kết nối với quốc tế.
Khi làm hồ sơ, chúng ta được các chuyên gia nước ngoài tư vấn thẳng thắn về những thách thức, cơ hội mình có thể thực hiện được thông qua các giải pháp rất cụ thể. Nhóm làm hồ sơ cũng có cơ hội cọ xát với những TP sáng tạo ở nước ngoài, rồi nhìn sâu vào bên trong hiện trạng của các TP. Nhờ đó, các giải pháp có khả năng hiện thực hóa rất cao. Nhìn từ góc độ đó, chắc chắn việc gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO sẽ góp phần không nhỏ vào phát triển và chấn hưng văn hóa của VN.
Bên cạnh đó, với việc xây dựng chính sách từ dưới lên, từ trên xuống và từ bên ngoài vào (với các dự án kết nối quốc tế) cho TP sáng tạo, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội chấn hưng văn hóa. Việc có 3 TP sáng tạo sẽ tạo 3 trụ cột có tính kết nối 3 miền. Từ đó, sẽ có những tương trợ cũng như cạnh tranh trên 3 lĩnh vực cạnh tranh cao trong khu vực; tạo chuyển động cho công nghiệp văn hóa ở VN.
Nhìn lại những hồ sơ của 3 TP sáng tạo trên, bà thấy hồ sơ nào khó khăn nhất khi thực hiện và trình UNESCO?
Chúng ta thấy về mức độ cạnh tranh, với khoảng hơn 350 hồ sơ, hồ sơ ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian phải đối mặt với cạnh tranh mạnh. Tỷ lệ các TP châu Á đăng ký ở lĩnh vực này rất nhiều, chiếm khoảng 38,7%. Hội An tham gia ở lĩnh vực này rất phù hợp. Hội An là một di sản nổi tiếng, các giải pháp phát huy di sản trong kết nối quốc tế cũng mạnh. Nhưng kể một câu chuyện về thủ công và nghệ thuật dân gian của Hội An ra thế giới thì lại chưa mạnh.
Hồ sơ Hà Nội được thực hiện khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, trên thế giới, các TP càng lớn thì khả năng thực hiện hồ sơ càng khó. Hà Nội cũng không ngoài thực tế chung đó. Nhưng từ khi Hà Nội trở thành TP sáng tạo trên lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đã có một cộng đồng thiết kế sáng tạo triển khai hoạt động ở đây. Họ cũng nắm được cốt lõi của hồ sơ là làm sao Hà Nội xanh hơn, thân thiện hơn, đáng sống hơn… Thiết kế sau đó được đưa vào cuộc sống, có kết nối truyền thống - hiện đại trong những nhu cầu thực tiễn của thủ đô. Tuy nhiên, sự gắn kết chính quyền - cộng đồng sáng tạo - cộng đồng nghiên cứu chưa thật sự mật thiết như nên thế. Trên thế giới, họ sẽ thành lập ủy ban tư vấn để có thể hiện thực hóa cam kết và tầm nhìn của TP.
Đà Lạt chọn lĩnh vực âm nhạc cũng là lĩnh vực có tỷ lệ cạnh tranh cao. Thậm chí, có thể nói lựa chọn này táo bạo và độ rủi ro cực kỳ cao. Trong 3 hồ sơ, hồ sơ Đà Lạt "thót tim" nhất. Những TP sáng tạo ở lĩnh vực âm nhạc chủ yếu tập trung ở khu vực châu Âu. Họ có công chúng, công nghiệp âm nhạc cũng phát triển từ lâu rồi. Nhưng đây cũng là một thách thức thúc đẩy quyết tâm của nhóm tư vấn.
Nghiên cứu cho thấy, Đà Lạt được người châu Âu gọi là "TP của mùa xuân vĩnh cửu". Người Pháp cũng đưa đời sống âm nhạc tới Đà Lạt sớm, tôn trọng các dân tộc bản địa. Đà Lạt có khoảng 30 sân khấu, nhiều nơi nhìn về thung lũng, tựa lưng vào núi rừng tạo thành hệ sinh thái biểu diễn. Ở Đông Nam Á, chỉ có Đà Lạt như vậy. Đấy là một trong những yếu tố mà hồ sơ xây dựng thành câu chuyện, từ đó tạo dựng giải pháp bền vững cho công nghiệp âm nhạc ở đây. Chúng ta cũng xây dựng sáng kiến kết nối quốc tế tại đây bằng hợp tác công - tư. Khi xem xét, đây là những sáng kiến gắn chặt với TP, cho thấy nó sẽ thế nào.
Xin cảm ơn bà!