Đánh giá lại chặng đường vừa qua, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho hay ngành giao thông TP đã đạt được nhiều thành tựu. Chất lượng phục vụ người dân ngày càng được đổi mới tốt hơn, góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thành quả đạt được ngày hôm nay là kết quả của tinh thần đoàn kết, luôn tâm huyết và có trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giao thông TP qua các thời kỳ.
Bên cạnh đó, ngành giao thông TP luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, cũng như luôn nhận được sự tin tưởng, hỗ trợ của lãnh đạo TP, Bộ Giao thông vận tải và sự phối hợp tích cực của các sở ngành, cơ quan liên quan.
"Giai đoạn này, ngành giao thông TP.HCM có nhiều dự án, công trình lớn, cũng như các cơ chế mới. Như vậy trọng trách, thách thức nhiều hơn, nhưng thành quả và vinh dự sẽ lớn hơn khi tất cả chúng ta cùng cố gắng", giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM chia sẻ.
Ông Lâm nhấn mạnh, thời gian tới, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Sở Giao thông vận tải TP sẽ tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo, nói đi đôi với làm, phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống “đi trước mở đường” của ngành giao thông.
Việc này nhằm góp phần phát triển TP hướng tới mục tiêu ngang tầm đô thị lớn trên thế giới, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
TP.HCM hiện đang triển khai thi công rất nhiều dự án lớn như vành đai 3 TP.HCM, nút giao An Phú, mở rộng quốc lộ 50...
Trong đó, vành đai 3 TP.HCM khởi công vào ngày 30-6 là một trong những công trình đặc biệt, có quy mô lớn nhất ở các tỉnh phía Nam từ trước tới nay. Đây được xem là dự án kiểu mẫu của TP, có cách làm mới cũng như đảm bảo người dân phải có cuộc sống tốt hơn tại nơi ở mới.
Trên tinh thần của vành đai 3 TP.HCM, các dự án vành đai 4, khép kín vành đai 2, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cũng đang được đẩy nhanh thủ tục, sớm khởi công.
Đặc biệt, nghị quyết 98 đã mở thêm nhiều cách làm mới để ngành giao thông TP triển khai đồng loạt các tuyến đường cửa ngõ, tạo liên kết vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ chế mới này như phát triển đô thị theo mô hình TOD, đầu tư theo hình thức BT thanh toán bằng tiền (trả chậm) hay nâng cấp, mở rộng các tuyến đường hiện hữu theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Trên cơ sở đề xuất của ngành giao thông, tháng 9-2023, HĐND TP đã thông qua danh mục 5 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT trên các tuyến đường đô thị trục chính như mở rộng quốc lộ 1, 13, 22, nâng cấp trục Bắc - Nam và xây dựng cầu đường Bình Tiên. Các dự án này có tổng vốn khoảng 40.000 tỉ đồng.
Trong gần một năm qua, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Vào tháng 8-2023, UBND TP đã trình Thủ tướng dự thảo đề án. Hiện TP đang tiếp tục tiếp nhận góp ý của bộ ngành để trình chính thức làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Tại các buổi hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá dự án là thời cơ lịch sử để TP mở cửa ngõ giao thương với quốc tế bằng đường biển. Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được kỳ vọng sẽ là điểm đến của kinh tế, công nghệ, thành "thao trường" đào tạo nguồn lực logistics có trình độ cao…
“Siêu" cảng Cần Giờ sẽ mở mặt tiền biển cho TP.HCM, mở con đường lớn từ quy mô đầu tư, lượng hàng hóa trung chuyển.