Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 8, 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay, trong đó có TP HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình.
Năm nay có nhiều địa phương xin trả lại vốn vay hơn năm 2022. Tính đến hết tháng 8 năm trước, chỉ có 7 địa phương xin trả lại vốn vay khoảng 1.500 tỷ đồng.
Các địa phương xin trả lại vốn vay theo cơ quan quản lý, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều địa phương xin điều chuyển chủ yếu do dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân, phần vốn tỉnh chưa phân bổ. Bên cạnh đó, chiếm phần lớn khoản tiền xin hoàn trả là do các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư.
Trái với nhóm xin trả lại, có 6 địa phương đề nghị tăng dự toán vay năm 2023 thêm 350 tỷ đồng gồm Bình Định, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định và Phú Thọ.
Nhóm này xin thêm vốn do có dự án sẽ hết thời hạn giải ngân trong năm nên cần bổ sung kế hoạch vốn hoặc để phù hợp với tiến độ triển khai dự án.
Theo kế hoạch 2023 được Chính phủ phê duyệt, các địa phương vay từ nguồn vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác là 27.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương phải trả nợ gần 5.000 tỷ đồng, gồm tiền gốc 2.800 tỷ đồng và tiền lãi gần 2.200 tỷ đồng.
Giữa tháng 10, Chính phủ đã có Nghị quyết phê duyệt điều chỉnh dự toán vốn vay lại của các địa phương, theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Quỳnh Trang