Bức ảnh mà CENTCOM đăng tải trên X (trước đây là Twitter) cho thấy tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đang đi qua kênh đào Suez.
CENTCOM - cơ quan chỉ huy chiến đấu của Bộ Quốc phòng Mỹ có thẩm quyền đối với các lực lượng ở Trung Đông, Tây và Trung Á - không tiết lộ tên và vị trí chính xác mà tàu ngầm này được triển khai đến.
Theo báo Times of Israel, sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân được xem là một phần trong chiến lược của Mỹ để phản ứng với sự leo thang của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này tấn công vào Israel, ngăn chặn xung đột Israel - Hamas lan rộng trong khu vực.
Tháng trước, Lầu Năm Góc đã cử hai tàu sân bay là USS Dwight D. Eisenhower và USS Gerald R. Ford đến khu vực với mục đích tương tự.
Vào năm 1994, Mỹ đã quyết định nâng cấp 4 trên 18 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Ohio thành tàu ngầm mang tên lửa hành trình (SSGN), để đáp ứng nhu cầu chiến lược của nước này.
Bốn tàu lâu đời nhất của lớp Ohio là Ohio, Michigan, Florida và Georgia dần bước vào quá trình chuyển đổi từ cuối năm 2022 và được đưa trở lại hoạt động vào năm 2008. Sau hoán cải, mỗi tàu này có thể mang theo 154 tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 1.600km.
Tomahawk là loại tên lửa hành trình tầm xa với nhiều biến thể, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được phóng đi từ các hệ thống phóng mặt đất, chiến hạm hoặc tàu ngầm trên biển. Đây là loại tên lửa có khả năng "sống sót" cao, bay thấp nên khó bị phát hiện bằng radar.
Với khả năng tải trọng cực lớn, có thể triển khai hai nhóm thủy thủ đoàn, cùng năng lực tàng hình, các tàu ngầm lớp Ohio mang lại sự linh hoạt trong nhiệm vụ và nâng cao khả năng chiến đấu cho lực lượng Mỹ, theo trang Military.com.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Israel có quyền và nghĩa vụ tự bảo vệ mình để vụ việc như ngày 7-10 không xảy ra nữa.