Như Luật Đất đai vẫn còn 16 vấn đề có ý kiến khác mà theo người có trách nhiệm chỉ trình thông qua khi đạt chất lượng và khả thi. Không ít đại biểu Quốc hội, người dân, doanh nghiệp sốt ruột, chậm thông qua sẽ không tốt cho phát triển.
Nhưng dù có sốt ruột, có lỡ cơ hội phát triển thì có lẽ vẫn nên kiên định "chậm mà chắc". Bởi các luật quan trọng như đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản đều sát sườn với công cuộc phát triển đất nước và đụng chạm đến đời sống mọi gia đình và cá nhân, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài.
Các luật này liên quan chặt chẽ với nhau, chỉ cần "chưa chuẩn một li sẽ chỏi vạn dặm", gây rắc rối, khó khăn, thậm chí ách tắc khi triển khai luật.
Không chỉ thế, luật còn phải tạo ra môi trường cho phát triển, cho kinh doanh lành mạnh và sòng phẳng, hạn chế tối đa tình trạng để lại hệ lụy do luật chưa chặt chẽ, bao quát.
Ngay lúc này đây, không ít người dân vẫn đang bức xúc trước hàng chục ngàn căn hộ mãi không ra được sổ đỏ. Người dân tự hỏi vì sao nên nỗi, ai bảo vệ họ trước những ma mãnh của một số chủ đầu tư bất động sản? Rõ rồi, trước tiên phải là luật.
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng có quy định chặt chẽ để bảo vệ người mua nhà hình thành trong tương lai như quy định về đặt cọc, về điều kiện huy động vốn, về bảo lãnh ngân hàng... Thế nhưng nhiều năm sau đó vẫn lòi ra hàng chục ngàn căn hộ không ra được sổ đỏ, dở dang...
Trong 10 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam trải qua nhiều cung bậc trầm. Sản phẩm ra thị trường liên tục giảm do các dự án không triển khai được trong khi hàng trăm dự án "ma" rao bán theo kiểu dụ dỗ, thúc ép, lừa gạt làm cho người mua mất tiền oan.
Ngay với các dự án làm thật thì chủ đầu tư cũng tranh thủ huy động vốn càng sớm, càng nhiều càng tốt dưới nhiều hình thức như giữ chỗ, đặt cọc. Rồi tình trạng mua bán giá cao, khai giá thấp để trốn thuế diễn ra phổ biến...
Vì vậy, Luật Kinh doanh bất động sản được sửa đổi lần này nhằm tạo ra một khung pháp lý chặt chẽ, bài bản để đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, nhất là với các trường hợp bán bất động sản hình thành trong tương lai, không lặp lại thực trạng đáng buồn: mua nhà nhưng không có sổ, thị trường lẫn lộn chủ dự án "ma" với chủ dự án yếu kém và chủ dự án làm ăn chân chính...!?
Một giải pháp được Chính phủ đề xuất đưa vào trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản là với bất động sản hình thành trong tương lai phải bán qua sàn để loại bỏ các chủ dự án yếu kém, lừa đảo đã không được chấp nhận.
Giải pháp thay thế cũng đã được đề xuất. Người dân và giới kinh doanh bất động sản đang chờ xem tới đây họ sẽ có được hành lang pháp lý thế nào để không phải "giao trứng nhầm cho kẻ ác", mua nhà phải nhận được nhà và sổ hồng, giới làm ăn cũng không phải đau đầu vì những chủ dự án "ma", những doanh nghiệp yếu kém năng lực nhưng vẫn nhảy ra làm dự án...
Mua nhà có sổ, không bị lừa lọc, bớt đi cảnh người dân "kiệt sức" khi đi đòi quyền lợi - căn hộ, sổ đỏ... đó chính là thước đo chuẩn cho những bộ luật đang được góp ý, tranh luận để thông qua.
Trong số 81.085 căn nhà ở TP.HCM đã có văn bản thẩm định đủ điều kiện nhưng "trắng" sổ hồng, TP đã cấp sổ hồng cho 17.300 căn và đã chuyển 7.000 hồ sơ để xác nhận nghĩa vụ tài chính làm cơ sở cấp sổ hồng.