Ngày 6-11, Tòa án nhân dân TP Thủ Đức phối hợp Trường THPT Bình Chiểu tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án "cố ý gây thương tích", tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cho hơn 1.900 học sinh.
Hồi chuông cảnh báo bạo lực học đường
Phiên tòa giả định xây dựng kịch bản về trường hợp hai nam sinh mâu thuẫn do va chạm trong lúc gửi xe đạp. Sau đó, một trong hai học sinh kể lại chuyện này cho anh ruột. Cho rằng em trai bị ức hiếp, người anh mang dao đến trường chém bạn của em gây thương tích 4%.
Qua xét xử, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 1 năm tù về tội cố ý gây thương tích.
Theo bà Hà Thị Phương - phó hiệu trưởng Trường THPT Bình Chiểu, dù là phiên tòa giả định nhưng được thực hiện sát với thực tế, qua đó giúp các em học sinh hiểu thêm về diễn biến tại một phiên tòa cũng như quy định của pháp luật liên quan đến hành vi, cách cư xử giữa bạn bè với nhau.
"Thực tế trong trường từ đầu năm đến nay đã phải xử lý một vài trường hợp học sinh đánh nhau, tuy chưa có thương tích như nội dung phiên tòa nhưng đó cũng là hồi chuông cảnh báo.
Từ phiên tòa giả định, trường muốn các em hiểu nếu có vấn đề xích mích gì giữa bạn bè với nhau thì phải trình bày cho thầy cô, tuyệt đối không tự tiện lấy suy nghĩ cá nhân của mình để hành xử, có thể hành xử sai lầm dẫn đến vi phạm và sẽ bị xử lý", bà Phương nói.
Tuyên truyền pháp luật lồng ghép hướng nghiệp
Cùng thời điểm, tại Trường THPT Năng khiếu TDTT huyện Bình Chánh, Tòa án nhân dân huyện này cũng tổ chức phiên tòa giả định chủ đề "bạo lực học đường" với sự tham gia của 1.400 học sinh.
Nội dung phiên tòa giả định dựa trên vụ án có thật được học sinh tái hiện lại qua tiểu phẩm ngắn. Theo đó, từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, hai học sinh đánh nhau, thậm chí "huy động" thêm nhiều người khác, chuẩn bị hung khí và hẹn ra giải quyết. Hậu quả khiến một người trong nhóm bị chém gây thương tích và một người bị phạt 1 năm tù về tội cố ý gây thương tích.
Sau phiên tòa giả định, ban tổ chức đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các em học sinh thông qua các câu hỏi tương tác trực tiếp.
Ngoài việc giải đáp thắc mắc về các nội dung liên quan đến pháp luật, ban tổ chức cũng dành nhiều thời gian trao đổi với các em học sinh có hứng thú, muốn tìm hiểu về ngành luật để có thể trở thành luật sư, thẩm phán… sau khi được theo dõi phiên tòa.
Phiên tòa giả định xét xử người nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên Facebook
Cùng ngày, Tòa án nhân dân TP Thủ Đức phối hợp Trường THPT Nguyễn Văn Tăng tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật Hình sự.
Theo nội dung vụ án, Đoàn Minh Mẫn (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) tạo lập Facebook "Minh Mẫn" với mục đích giao lưu kết nối bạn bè, sau đó tiếp cận và theo dõi các trang mạng phản động, chống phá của các thế lực thù địch...
Do thường xuyên theo dõi, tiếp cận, nghiên cứu những bài viết này nên tư tưởng của Mẫn bắt đầu bị tiêm nhiễm và Mẫn cho rằng những luận điệu, bài viết này là đúng.
Mẫn tải các bài viết, hình ảnh có nội dung xấu, bôi nhọ, xúc phạm các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về điện thoại rồi phát tán lên Facebook cá nhân kèm theo những lời chú thích mang tính chất công kích, kích động… Hành vi của Mẫn đã cấu thành tội phạm theo điều 331 Bộ luật Hình sự và bị tòa án tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù.
Phiên tòa giả định nhằm bổ sung kiến thức pháp luật, giúp học sinh nâng cao nhận thức trong việc sử dụng và tiếp cận môi trường mạng xã hội có chọn lọc.
Từ xưa nay vẫn có bạo lực học đường, nhưng gần đây một số vụ việc có mức độ bạo lực và cách hành xử rất đáng lo ngại! Đây là nhận định thẳng thắn của chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục bên hành lang Quốc hội vào sáng 30-10.