Hãng tin AFP dẫn báo cáo của tổ chức nghiên cứu AidData (Mỹ) cho biết hơn 150 quốc gia, trải dài từ Uruguay (Nam Mỹ) đến Sri Lanka (Nam Á) đã tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố cách đây một thập kỷ.
Trong 10 năm đầu tiên của sáng kiến này, Trung Quốc phân bổ các khoản vay khổng lồ dùng cho việc xây cầu, cảng và đường cao tốc ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Hiện hơn một nửa khoản vay đã bước vào giai đoạn trả nợ gốc và sẽ tăng lên 75% vào cuối thập kỷ này.
Dựa trên dữ liệu tổng hợp về nguồn tài trợ của Trung Quốc cho gần 21.000 dự án trên 165 quốc gia, tổ chức AidData cho biết Bắc Kinh cam kết khoản tín dụng khoảng 80 tỉ USD mỗi năm cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Để so sánh, Mỹ cũng có khoản tương tự, trị giá 60 tỉ USD.
"Bắc Kinh đang đảm nhận một vai trò không mấy thoải mái, là chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới", báo cáo của AidData cho hay. "Tổng số dư nợ, bao gồm gốc nhưng không bao gồm lãi, từ những nước đi vay ít nhất 1.100 tỉ USD".
Cũng theo AidData, Bắc Kinh đang tìm cách giảm thiểu rủi ro cho BRI, bằng cách điều chỉnh hoạt động cho vay để phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm biện pháp tự bảo vệ mình trước nguy cơ không được trả nợ.
"Khả năng tiếp cận tài sản thế chấp bằng tiền mặt mà không cần sự đồng ý của người vay đã trở thành một biện pháp bảo vệ đặc biệt quan trọng trong danh mục cho vay song phương của Trung Quốc", AidData cho hay.
Tại diễn đàn kỷ niệm 10 năm Vành đai và Con đường vào tháng 10 vừa qua, ông Tập Cận Bình thông báo Bắc Kinh sẽ bơm hơn 100 tỉ USD vốn mới vào BRI.
Ngày 30-3, Trung Quốc chỉ trích nhận xét của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen về các hoạt động cho vay của Bắc Kinh là "vô trách nhiệm" và "vô lý".