Mười năm làm giáo viên, tháng 9/2022 là năm học đầu tiên, cô Quách Thị Bích Liên phải tới dự lễ khai giảng bằng xe bus. Đi bộ nửa cây số từ nhà ra điểm chờ, Liên cũng ngần ngại trang điểm hay mặc áo dài, mang giày cao gót. Từ ngày chiếc xe máy bị mất, mỗi lần đi lại vất vả, Liên lại thốt lên "giá mà nó còn".
"Mình cũng không dám mơ có ôtô, chỉ mong có xe máy để tự chủ đi lại là tốt lắm rồi", chị nói, giọng tiếc nuối.
Năm 2014, nhận công việc giảng dạy Mỹ thuật tại một trường tiểu học cách nhà trọ gần 10 km, có 10 triệu đồng tiết kiệm, Liên vay thêm mua xe máy. "Chiếc xe gần 30 triệu đồng, tính ra bằng 20 tháng lương của mình lúc đó", Liên tâm sự.
Chồng chị Liên làm nghề tài xế xe tải bận rộn, nhu cầu đi lại ít nên suốt nhiều năm chiếc xe máy của chị là phương tiện di chuyển duy nhất phục vụ cả gia đình.
Tháng 4/2022, giữa "mùa" Covid, chồng chị mất việc. Liên mới sinh bé thứ hai được một tháng vẫn đi dạy thêm buổi tối. Khoảng 21h ngày 13/4/2022, chị về nhà sau buổi dạy, để xe trước cửa.
"Từ ngoài đường, muốn dắt xe vào phòng khách phải qua bậc thang rất cao, ngõ lại nhỏ nên thường chồng làm việc đó", chị kể. Tối đó, thấy mẹ ngồi xem tivi ở phòng khách, đèn ngõ sáng, chị yên tâm khóa cổ xe rồi đi vào, gọi chồng dắt xe giúp. Nhưng chỉ 5 phút sau, khi chồng Liên đi ra, chiếc xe không còn ở đó.
Vợ chồng cô giáo trình báo công an nhưng không hy vọng sẽ tìm lại được, do khu vực này không có camera an ninh.
Năm sau, vợ chồng Liên đã tắt hẳn hy vọng tìm thấy xe và bàn việc mua trả góp chiếc khác vì không thể đi lại bằng xe bus trong thời gian dài. Nhưng cuộc điện thoại ngày 6/10 đã thay đổi ý định này.
"Chào chị Liên, tôi là thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường, Đội phó Cảnh sát giao thông số 8 Công an Hà Nội", một người đàn ông gọi điện thoại cho chị. Cô giáo cảnh giác nghĩ đây là cuộc gọi lừa đảo song không vội dập máy mà "để xem người kia dọa gì".
"Thiếu tá Cường hỏi chuyện và mình bảo xe bị trộm mất từ tháng 4 năm ngoái", cô giáo Liên kể. Anh Cường thông báo Đội CSGT số 8 đang tạm giữ một chiếc xe nhưng người vi phạm không đến nộp phạt và qua xác minh đó là xe của chị.
"Anh hẹn tuần sau mang giấy tờ đến nhận xe về và không nhắc gì việc chuyển tiền nên mình mới tin không phải cuộc gọi lừa đảo", chị Liên kể.
Lịch hẹn được chốt vào 11/10. "Nếu em ở nội thành đến đây xa quá thì bảo để anh cử đồng chí nào ở gần đó đến đón", cuộc gọi thứ hai của thiếu tá Cường khiến chị cảm động.
Trong cuộc gặp ngắn gọn tại trụ sở, chị mới biết thiếu tá Cường là người phát hiện khả nghi từ chiếc xe mất cắp và sau đó trực tiếp xác minh. "Sự tận tình của các anh ấy khiến mình như được bù đắp cho 18 tháng đi bus vừa qua", chị nói.
Đội CSGT số 8 phụ trách giao thông cửa ngõ phía Nam thủ đô, tuyến quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên với lưu lượng giao thông đặc biệt lớn. Mỗi ngày, số người bị xử lý và phương tiện bị tạm giữ như chiếc xe của chị Liên là không ít.
Người sử dụng xe của chị Liên phạm lỗi nhỏ, không đưa ra được giấy tờ chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp nên bị tạm giữ phương tiện. Theo quy định, nếu người vi phạm không tới giải quyết, thiếu tá Cường và đồng nghiệp có trách nhiệm gửi giấy mời. Nhưng nếu vẫn không tới làm việc, công an sẽ rà soát trong hệ thống dữ liệu chủ phương tiện và xe tang vật để tìm ra chủ sở hữu phương tiện về mặt pháp lý.
Nếu chủ sở hữu vẫn không xuất hiện, Đội CSGT sẽ đăng tin lên các phương tiện truyền thông, đồng thời niêm yết tại trụ sở để tìm chủ sở hữu. Trong vòng 30 ngày không có phản hồi, xe sẽ được liệt vào "xe vô chủ" để làm thủ tục tịch thu, bán đấu giá sung công quỹ nhà nước.
Khi hồ sơ chiếc xe của chị Liên đến tay thiếu tá Cường, kinh nghiệm 16 năm trong nghề mách bảo anh có thể chiếc xe này là tang vật vụ trộm khi mang biển số giả. Anh đối chiếu với kho dữ liệu xe tang vật của Bộ Công an để rà soát nhưng không có kết quả trùng khớp.
"Chúng tôi mất nhiều ngày xác minh và khi tìm ra Liên là chủ xe, không biết giữa tôi và chị ấy, ai mới là người vui hơn", anh Cường chia sẻ.
16 năm trong nghề, anh Cường từng hàng chục lần truy lại các manh mối để quyết tìm chủ cho những chiếc xe bị đánh cắp. "Nếu trước đây chúng tôi phải liên lạc với công an cấp xã và xuống tận địa bàn để tìm người bị hại thì nay hệ thống Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đã giúp mọi việc dễ dàng hơn", anh cho hay.
Dù vậy, theo anh vẫn có những chủ sở hữu có địa chỉ trong đăng ký khác so với nơi ở thực tế nên việc tiếp cận gặp một số khó khăn. Cán bộ làm công tác này phải có kiến thức tổng hợp về đăng ký quản lý phương tiện, lẫn kiến thức xã hội mới có thể vận dụng xác minh, cho kết quả chính xác.
Theo thiếu tá Cường, đa số xe tang vật bị đánh tráo biển kiểm soát. Có lần cán bộ báo cáo số máy số khung một xe có dấu hiệu mài mòn tẩy xóa không xác định nổi anh đề nghị mời giám định viên kỹ thuật hình sự sử dụng dung dịch chuyên biệt để khôi phục, nhưng vẫn không ra. "Tôi sau đó tìm ra cách xác minh tách biệt các ký tự và cho kết quả khá chính xác", anh Cường cho hay.
Những kinh nghiệm này đều được thiếu tá 40 tuổi đề xuất nhân rộng ra các đơn vị, giúp tăng cơ hội tìm lại những phương tiện bị trộm cắp. Anh Cường từng được vinh danh "Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu", "Những bông hoa đẹp của Thủ đô".
Hải Thư
Xem thêm: lmth.8563764-gnaht-81-tam-ib-ex-ceihc-iov-oaig-oc-auc-ogn-tab-ogn-iat-couc/ten.sserpxenv