Tăng trưởng doanh thu sẽ giúp các trường phát triển và bứt phá. Có được kết quả này sau thời gian được "cởi trói" một phần bởi vẫn còn rất nhiều điều họ muốn làm, dư sức làm nhưng chưa hoặc không được làm.
"Trường nghìn tỉ" là những trường đại học trẻ, đi đầu trong các chính sách mới, thí điểm về phát triển giáo dục đại học. Họ đã tận dụng thời cơ và tự làm mới mình, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có và bên ngoài cả về tài chính, con người, kinh nghiệm để tạo ra sự đột phá.
Dù học phí vẫn là nguồn thu chính nhưng nghiên cứu chuyển giao công nghệ, các nguồn thu hợp pháp khác đã tăng lên, ngân sách nhà nước giảm đi đáng kể. Nhưng đó mới chỉ là một vài điểm sáng.
Còn hơn 200 trường đại học tại Việt Nam thì sao? Khi nào mới có sự bứt phá, đạt được doanh thu nghìn tỉ? Rất nhiều trường chỉ mới độ tuổi đôi mươi nhưng lại già nua, kém năng động, sáng tạo. Khi nào họ mới tự chủ và dứt khỏi bầu sữa ngân sách, tự mình đứng trên chân của mình?
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, giáo dục đại học đang trong trạng thái phát triển, "rất giàu sức sống" nhưng ông cũng thừa nhận không có bứt phá trong phát triển của giáo dục đại học.
Ông cũng có cảm giác chúng ta đang loay hoay để các trường tồn tại, đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo. Luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, cản trở. Những quy phạm pháp luật mở đường cho tự chủ giáo dục đại học lại chưa có được sự đồng bộ, chia sẻ với hệ thống giáo dục và hệ thống pháp luật khác.
Tự chủ đại học, trường đại học ở khía cạnh nào đó cũng có thể xem là doanh nghiệp. Hội đồng trường cũng tương tự hội đồng quản trị, ban giám hiệu như ban giám đốc.
Để doanh nghiệp phát triển, "ông chủ" phải hết sức nhanh nhạy, sáng tạo để tìm ra những ngách đi riêng, những đột phá. Họ cũng cần hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để không vừa làm vừa run. "Doanh nghiệp" đại học càng phải tiên phong tạo ra sự bứt phá cho chính mình. Và, họ cần cơ chế vươn lên.
Tiếc thay họ đang bị trói buộc quá nhiều thứ nên còn quá nhiều việc chưa được làm. Thậm chí có những việc được làm nhưng phải qua cả chục cửa ải thủ tục hành chính kéo dài, trì trệ và chán nản, thậm chí bỏ lỡ cơ hội phát triển hiếm có.
Chính sự thiếu thống nhất trong luật và các hướng dẫn thực hiện đã khiến chúng ta lãng phí nguồn lực rất lớn từ đại học. Không chỉ lãng phí thời gian, tiền bạc, nguồn lực con người mà còn làm mất đi sự nhiệt huyết, sáng tạo và cơ hội đổi mới.
Những trúc trắc, vướng mắc đã được các trường ca thán nhiều năm qua. Đổi mới giáo dục đại học, tháo gỡ vướng mắc tạo đột phá đã được bàn rất nhiều trong chục năm qua. Không biết bao nhiêu hội thảo đã được tổ chức nhưng nút thắt vẫn còn đấy.
Trường đại học kêu vẫn kêu, bộ quản lý than lại than từ năm này qua tháng khác, từ nhiệm kỳ bộ trưởng này đến bộ trưởng khác. Dường như trường đại học và cơ quan chủ quản đang bị lạc trong mê cung, chưa tìm được lối ra.
Những tiếng kêu cứu lẻ loi hay đồng thanh chỉ vọng qua lại giữa các bức tường mê cung giáo dục đại học. Họ kêu và tự nghe tiếng lòng của chính mình.
Chúng ta từng đặt kỳ vọng và mục tiêu có trường đại học uy tín, chất lượng lọt vào tốp đầu thế giới nhưng lại chưa đột phá.
Lắng nghe đi kèm quyết tâm hành động mới mong có sự đột phá. Cứ "luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu" thì còn phải hội thảo, tọa đàm dài dài và kỳ vọng những trường doanh thu nghìn tỉ còn xa vời nói gì lọt vào tốp đầu thế giới.
Ngày 5-11, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo giáo dục với chủ đề "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học".