Hôm nay, ngày 8-11, anh Huỳnh Thanh Lam, người bị truy tố oan sai trong vụ án "camera ngó qua hàng xóm" phản ánh đã 2 tháng trôi qua kể từ ngày bản án về bồi thường oan sai cho anh có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. "Tôi đã gửi đơn yêu cầu thi hành án nhưng Chi cục THA thành phố Cà Mau từ chối, còn phía Viện kiểm sát thành phố Cà Mau không phản hồi đơn. Chiều nay tôi đã gửi thêm đơn thứ 2 đến Viện kiểm sát thành phố Cà Mau" - Anh Lam phản ảnh.
Anh Lam tỏ ra bức xúc vì Điều 62 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định tối đa 21 ngày anh sẽ được nhận tiền bồi thường oan sai. Nhưng thực tế đã 2 tháng trôi qua anh vẫn chưa nhận được tiền và thậm chí chưa biết khi nào được nhận.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên PLO về những phản ảnh của anh Lam, bà Huỳnh Thu Hà, Phó viện trưởng phụ trách Viện kiểm sát thành phố Cà Mau, cho biết đơn vị mình đã hoàn thành thủ tục theo đúng thời gian quy định về việc đề xuất Cơ quan tài chính cấp kinh phí chi trả tiền cho anh Lam. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được cấp kinh phí nên chưa chi trả được cho anh Lam.
Về vấn đề chậm chi trả so với luật định, bà Hà cho biết do phía cơ quan tài chính chưa cấp kinh phí nên Viện kiểm sát cũng không có cách nào ngoài chờ được cấp kinh phí.
Về việc không phản hồi đơn yêu cầu của anh Lam, bà Hà cho rằng cán bộ phụ trách bồi thường cho anh Lam đã làm việc và có ghi biên bản giải thích cho anh Lam thay cho việc trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, khi phóng viên phản ảnh lại thì anh Lam khẳng định chưa được mời làm việc lần nào kể từ khi gửi đơn yêu cầu lần đầu, vào ngày 21-9-2023.
Vấn đề chậm chi trả tiền bồi thường nói chung, chậm chi trả tiền bồi thường oan sai nói riêng đã và đang gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Đầu tháng 10-2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, cử tri tỉnh Khánh Hoà đã nêu ý kiến về việc cần có chế tài đối với các cơ quan, chính quyền làm sai nhưng bồi thường cho người dân rất chậm.
Điều 62 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định cơ quan bồi thường phải hoàn tất thủ tục đề nghị cấp kinh phí bồi thường trong vòng 2 ngày kể từ ngày bản án, quyết định bồi thường có hiệu lực pháp luật. Cơ quan tài chính xét duyệt và cấp kinh phí bồi thường trong thời hạn 5 ngày. Trường hợp hồ sơ cần điều chỉnh thì thời hạn này là 15 ngày. Sau khi có kinh phí, trong thời gian 2 ngày, Cơ quan bồi thường phải thông báo cho người được bồi thường. Và trong tối đa là 2 ngày nữa, Cơ quan bồi thường phải tiến hành chi trả tiền cho người được bồi thường.
Tuy nhiên, chưa có quy định nào về chế tài nếu thực hiện chậm trễ so với thời gian quy định nêu trên.
Như PLO đã có nhiều tin, bài phản ảnh, anh Huỳnh Thanh Lam bị truy tố về tội huỷ hoại tài sản nhưng sau đó được giải oan, vì giá trị tài sản liên quan vụ án dưới 2 triệu đồng. Sau khi được giải oan, thoả thuận bồi thường không thành, anh Lam khởi kiện. Ngày 7-9-2023, Toà án tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm tuyên buộc Viện kiểm sát thành phố Cà Mau phải bồi thường oan sai cho anh Lam 205,8 triệu đồng.