Ba năm qua, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo quyết định tách thửa mới thay thế quyết định 60. Hiện dự thảo sắp được trình cho UBND TP xem xét quyết định. Nội dung dự thảo tách thửa có gì mới?
Sau loạt bài Tuổi Trẻ phản ánh về tình trạng tách thửa trên địa bàn TP.HCM "đứng hình" từ tháng 4-2021, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết sở đang phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo quyết định mới về việc tách thửa tại TP.HCM.
Tách thửa đất ở phải theo quy hoạch 1/500?
Việc tách thửa đất tại TP.HCM trước đây thực hiện theo quyết định 60 của UBND TP ban hành tháng 12-2017.
Để phù hợp với nghị định 148 hướng dẫn Luật Đất đai (có hiệu lực tháng 2-2021), UBND TP giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì soạn dự thảo quyết định thay thế quyết định 60. Bên cạnh về tách thửa, dự thảo còn quy định việc hợp thửa đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở.
Nội dung được người dân TP quan tâm nhất là điều kiện tách thửa đất ở. Về diện tích tối thiểu được tách thửa đất ở dự thảo cũng kế thừa quyết định 60, chia địa bàn TP thành ba khu vực tương ứng với ba mức diện tích tối thiểu tách thửa khác nhau.
Để tách thửa đất ở, theo dự thảo, phải căn cứ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hoặc quy hoạch thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 đã được phê duyệt. Trong khi trước đây chỉ cần căn cứ quy hoạch tỉ lệ 1/2000 (là quy hoạch không gian, quy hoạch tổng mặt bằng).
Dự thảo này cũng yêu cầu thửa đất ở trước và sau khi tách đều phải tiếp giáp với đường giao thông.
Thêm phần khó
Điều kiện này của dự thảo khiến người dân có hiểu biết băn khoăn rất nhiều vì người dân sẽ khó đáp ứng.
Bàn về điều kiện tách thửa đất ở theo dự thảo, ông Nguyễn Hải Long, trưởng phòng tư vấn pháp lý Công ty luật TNHH AGL, cho rằng quy định căn cứ vào quy hoạch tỉ lệ 1/500 thì người dân gần như không thể thực hiện được.
Điều kiện tách thửa đất ở theo quyết định 60 chỉ cần căn cứ quy hoạch tỉ lệ 1/2000 phù hợp hơn. Bởi lẽ quy hoạch chi tiết 1/500 là quy hoạch dùng để xây dựng được triển khai từ quy hoạch 1/2000. Theo quy định, việc lập các đồ án quy hoạch (tỉ lệ 1/5000, 1/2000, 1/500) là trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan nhà nước.
"Thực tế ngoài Nhà nước thì chỉ có các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư mới phải lập quy hoạch 1/500, còn hộ gia đình và cá nhân không có thẩm quyền và khả năng để lập.
Họ chỉ có vài trăm m2 đất hoặc 1.000m2, 2.000m2 đất để tách thửa chia cho con cái hoặc bán bớt cải thiện điều kiện kinh tế thì quy định điều kiện tách thửa căn cứ quy hoạch tỉ lệ 1/500 là đẩy cái khó về cho dân.
Thực tế hiện nay quy hoạch 1/2000 TP còn chưa phủ hết, nhất là ở các huyện, nơi mà nhu cầu tách thửa, chuyển mục đích đất ở để xây dựng nhiều nhất, chứ nói gì đến quy hoạch chi tiết 1/500 thì không biết khi nào mới có...", ông Long phân tích.
Ông Nguyễn Gia Thái Bình, nguyên phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, có ý kiến: "Nội dung quy định tách thửa mới cần bảo đảm quyền tách thửa của người dân theo quy định pháp luật đất đai.
Việc dự thảo áp quy hoạch chi tiết 1/500 làm căn cứ tách thửa đất ở là khó khả thi cho người dân. Mà nếu không tách thửa theo quy định được thì không khéo người dân lại tự ý tách thửa, chuyển nhượng giấy tay để giải quyết nhu cầu và hệ quả của việc này cũng lại đến lượt cơ quan nhà nước phải giải quyết...".
"Cha mẹ tôi có thửa đất ở nông thôn hơn 4.000m2 ở mặt tiền quốc lộ 50. Cha mẹ tôi muốn tách thửa để chia cho hơn 10 anh em tôi.
Tuy nhiên từ năm 2021 đến nay bị tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ tách thửa có hình thành đường giao thông theo quyết định 60 nên gia đình tôi không nộp hồ sơ được. Sắp tới nếu quyết định mới mà điều kiện khó hơn nữa thì gia đình tôi cũng thua luôn...".
Ông Đ.M.T. (người dân ngụ ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh)
Tách thửa là nhu cầu chính đáng của người dân, được pháp luật đất đai quy định và trao quyền thực hiện cụ thể cho cấp tỉnh. Tuy nhiên việc đáp ứng nhu cầu này đang bị tắc tại nhiều địa phương khiến nhiều người dân lâm cảnh khóc dở, mếu dở.