Theo kênh CNN, vào tháng trước, chỉ vài ngày sau khi cuộc chiến Israel-Hamas bắt đầu, ông Biden đã đến Tel Aviv để trấn an người Israel, rằng Mỹ sẽ hỗ trợ họ. Đối với nội các chiến tranh của Israel, ông Biden đã phát biểu: “Không cần phải là người Do Thái mới có thể là người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Và tôi là người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái”.
Sự ủng hộ kiên định của Tổng thống Biden dành cho Israel, cùng với những lời kêu gọi Israel nỗ lực nhiều hơn để bảo vệ thường dân Palestine trong cuộc phản công, đã gây ra tổn thất chính trị cho ông Biden. Quan điểm và hành động của ông Biden đã không làm hài lòng một số thành viên đảng Dân chủ cấp tiến cũng như những người Mỹ theo đạo Hồi và người Mỹ gốc Arab khi sắp diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Tuy nhiên, theo bình luận của nhà báo Frida Ghitis trên CNN, Tổng thống Biden đang hết lòng ủng hộ Israel không chỉ liên quan lợi ích chính trị mà còn vì hai nội lực mạnh mẽ.
Đầu tiên là kiến thức của bản thân ông về lịch sử Do Thái và vai trò không thể thiếu của Israel trong chống chủ nghĩa bài Do Thái hàng thiên niên kỷ qua. Thứ hai là thế giới quan đã thúc đẩy ông Biden ra tranh cử và vẫn là phương hướng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông: cảm nhận rằng thế giới đang ở một bước ngoặt, có thể là bước ngoặt thảm họa, trong đó các thế lực nguy hiểm đang đe dọa phá bỏ các chuẩn mực quốc tế đã được tạo ra trong nhiều thập kỷ kể từ Thế chiến thứ hai, những chuẩn mực giúp thế giới đạt được tiến bộ trong gìn giữ hòa bình và thúc đẩy dân chủ.
Tổng thống Biden đã nhắc lại quan điểm đó một lần nữa vào tuần trước, khi kết thúc cuộc họp báo với Tổng thống Chile đang ở thăm Mỹ: “Sẽ có lúc có thể cứ 6 đến 8 thế hệ một lần, thế giới sẽ thay đổi trong một thời gian rất ngắn. Điều đó đang xảy ra bây giờ. Những gì xảy ra trong hai, ba năm tới sẽ quyết định thế giới sẽ như thế nào trong 5 hoặc 6 thập kỷ tới”.
Ông Biden từng đề cập đến nhiều sự kiện đang diễn ra trong và ngoài nước, từ khả năng ông Donald Trump lại trở thành Tổng thống Mỹ, đến cuộc chiến ở Ukraine, cuộc chiến hiện tại ở Gaza và khả năng xảy ra nhiều bạo lực hơn nữa ở Trung Đông.
Đối với ông Biden, dù ủng hộ Israel nhưng ông vẫn nhấn mạnh rằng sau cuộc chiến, phải để người Palestine theo đuổi quyền tự quyết. Đây là một quan điểm mà ông cũng đã nhiều lần đưa ra.
Từ hồi còn bé, ông Biden đã biết về lịch sử Do Thái qua lời cha kể về thời kỳ mà trùm phát xít Adolf Hitler đã sát hạt 6 triệu người Do Thái và dẫn đến một cuộc xung đột trên toàn thế giới. Ông Biden đã đến trại tử thần Dachau nhiều lần, mà lần gần đây nhất, ông dẫn theo cháu gái và bước vào phòng hơi ngạt - nơi Đức Quốc xã đầu độc vô số người Do Thái đến chết.
Khi Hamas phát động cuộc tấn công Israel, ông Biden đã nhìn thấy mối liên hệ giữa lịch sử Do Thái và vụ tấn công ngày 7/10 - vụ thảm sát người Do Thái tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Holocaust. Trên 1.400 người Israel đã thiệt mạng vì cuộc tấn công của Hamas từ ngày 7/10.
Trong một bài phát biểu vào ngày 10/10, ông Biden nói rằng cuộc tàn sát này gợi nhớ về chủ nghĩa bài Do Thái và nạn diệt chủng người Do Thái từ hàng thiên niên kỷ qua.
Cựu Đại sứ Israel tại Mỹ, ông Michael Oren, gọi bài phát biểu này là “bài phát biểu ủng hộ Israel nhiệt tình nhất trong lịch sử”.
Tuy nhiên, còn nhiều hơn thế. Ông Biden đã nhìn thấy các xu hướng diễn ra vài năm qua. Một trong số đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan và đây chính là điều đã thúc đẩy ông tranh cử tổng thống vào năm 2019. Khi đó, ông đã nói rằng những người theo chủ nghĩa phát xít da trắng thượng đẳng tuần hành ở Charlottesville (bang Virginia) là đang ủng hộ phân biệt chủng tộc.
Để chống lại tình trạng phân biệt chủng tộc, ông Biden có thể nói với người Israel rằng trách nhiệm của họ không chỉ là đánh bại một tổ chức như Hamas trong giới hạn của luật pháp quốc tế, mà còn là hợp tác với những người Palestine đang tìm kiếm hòa bình và muốn cùng tồn tại với Nhà nước Do Thái, muốn cùng giải quyết xung đột hiện nay.
Xem thêm: nhc.960024111901132881-em-hnam-learsi-oh-gnu-nedib-eoj-ym-gnoht-gnot-neihk-ax-uas-od-yl-iah/nv.fefac