Ngay lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam năm 2001, ông Gabor Fluit đã tìm thấy “định mệnh” của đời mình. Và đó cũng là điểm khởi đầu, se duyên cho ông với đất nước và con người trên dải đất hình chữ S.
Ông Gabor Fluit từng làm Giám đốc tại ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan) từ năm 2005 đến năm 2008. Tuy nhiên, bước ngoặt cuộc đời xảy ra giữa năm 2008, khi ông quyết định cùng gia đình về Việt Nam đảm trách cương vị giám đốc của De Heus - doanh nghiệp chuyên về thức ăn chăn nuôi. Sau này, ông trở thành giám đốc điều hành của De Heus toàn châu Á trước khi được bầu vào cương vị Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Nói về lý do nghỉ làm sếp ngân hàng ở châu Âu để tới Việt Nam gây dựng sự nghiệp, ông Fluit hóm hỉnh kể: “Tôi tin tưởng về tiềm năng phát triển của mảnh đất này, chắc chắn Việt Nam sẽ vươn xa. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác là vì tôi… nghe lời vợ (cười lớn)”.
Gắn bó 15 năm với dải đất hình chữ S, ông Gabor Fluit hiểu rõ môi trường kinh doanh Việt, con người và văn hóa Việt. Ông hào hứng chia sẻ lý do tại sao Việt Nam hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài hay việc nhiều doanh nghiệp châu Âu “cứ nhắc đến châu Á là nghĩ ngay tới Việt Nam”.
Tính đến tháng 6/2023, tổng FDI của các quốc gia Liên minh châu Âu vào Việt Nam đạt 28,91 tỷ USD. Ông đánh giá sao về những con số này?
Suốt giai đoạn 1997-2022, tổng số dự án và các khoản đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam đã tăng dần theo từng năm. Điều này càng rõ ràng hơn kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam được ký kết vào tháng 8 năm 2020. Rất nhiều doanh nghiệp đánh giá Việt Nam là quốc gia hấp dẫn. Ở ASEAN, hiện tại mới có Việt Nam và Singapore ký kết hiệp định FTA với Liên minh châu Âu.
Tôi thấy không quá khó để hiểu tại sao con số đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp châu Âu lại ngày một tăng lên. So với 10, 20 năm trước, thu nhập trung bình của người Việt đã tăng trưởng mạnh khiến sức mua tăng theo và tạo ra một thị trường tương đối lớn. Hơn nữa, với chiến lược đúng đắn của Chính phủ cũng như theo dự đoán của nhiều chuyên gia thì chỉ trong 20-25 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào thời điểm vàng để tăng thu nhập trung bình. Vì vậy, việc các doanh nghiệp châu Âu muốn tới Việt Nam, tập trung vào thị trường nội địa, phục vụ và cung cấp thành phẩm cho gần 100 triệu người Việt là điều dễ hiểu.
Thứ hai, khi các doanh nghiệp châu Âu muốn đa dạng hóa đầu tư, họ đặt vấn đề bối cảnh chính trị lên hàng đầu. Và chắc chắn Việt Nam là quốc gia vô cùng ổn định.
Vậy liệu năm 2023, Việt Nam và EU có đạt được sự bứt phá nữa hay không, thưa ông?
Eurocham chúng tôi khẳng định Việt Nam hoàn toàn tiếp tục thu hút được đầu tư của nhiều doanh nghiệp châu Âu trong năm nay và tương lai sắp tới.
Bên cạnh đó, nếu thúc đẩy mạnh hơn trong việc tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, cảng biển, hệ thống đường cao tốc, điện lực và kinh tế xanh, chúng sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam mở ra cơ hội thu hút nhiều đầu tư hơn hiện tại.
63% doanh nghiệp được EuroCham khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Vậy theo ông, Việt Nam có những lợi thế nào để thu hút FDI? Đâu là “điểm cạnh tranh” mạnh nhất?
Với tôi, Việt Nam có nhiều điểm mạnh nên khó có thể chọn ra một điểm mạnh nhất. Điều này sẽ phụ thuộc vào từng lĩnh vực.
Ví dụ, nếu liên quan đến công nghệ cao hoặc điện tử, họ sẽ đến Việt Nam vì có chất lượng lao động tốt. Thực tế, tôi thấy Việt Nam có rất nhiều người học công nghệ thông tin giỏi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, sự hấp dẫn không phải tới từ lao động rẻ. Lương của ngành này ở Việt Nam đã tăng cao hơn so với trước đây nhưng năng lực của nhân sự Việt khá hơn so với nhiều nước khác.
Hay bạn có thể thấy, nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến ổn định tỷ giá vì họ phải xuất nhập khẩu nhiều. Và tỷ giá của Việt Nam khá ổn định khi tiến hành so sánh. Hoặc một số công ty đầu tư vào Việt Nam, bán hàng tiêu dùng cho người Việt, chắc chắn họ thấy thị trường Việt với gần 100 triệu dân vô cùng tiềm năng.
Vậy với các doanh nghiệp châu Âu, ngành nào của Việt Nam đang được “để mắt” nhiều nhất, thưa ông?
Việt Nam trước đây có xu hướng muốn thu hút nhiều FDI ở rất nhiều lĩnh vực. Nhưng hiện tại, Việt Nam đã có vị thế nhất định, đã và đang thay đổi, chủ động lựa chọn những dự án đem lại nhiều lợi ích lớn cho kinh tế và xã hội. Tôi thấy điều này là cần thiết. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã siết chặt các quy định, điều luật liên quan đến môi trường.
Là chủ tịch của Eurocham, tôi thấy có nhiều doanh nghiệp quan tâm và đang tìm hiểu về Việt Nam. Công nghệ thông tin, điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI) - các lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao của Việt Nam đang được đánh giá có nhiều tiềm năng và hấp dẫn.
Theo tôi dự đoán, nhiều doanh nghiệp châu Âu đang rất quan tâm đến xây dựng chuỗi giá trị liên quan đến các thiết bị điện tử, microchip, chất bán dẫn...tại đây. Dù hiện tại chủ yếu là doanh nghiệp đến từ châu Á và Mỹ nhưng có thể sẽ có một số doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Trên cương vị là người điều hành doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như là Chủ tịch Eurocham, tôi luôn đưa ra các lý do để thuyết phục rằng họ nên chọn Việt Nam là điểm đến.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu sẽ đóng vai trò ra sao trong việc thúc đẩy hợp tác giữa đôi bên, thưa ông?
Hiệp định thương mại tự do có rất nhiều chi tiết và chắc chắn nó đem lại những lợi ích nhất định, ví dụ như thuế nhập khẩu giảm dần để tăng cường xuất nhập khẩu giữa hai bên. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh lợi ích quan trọng nhất khi hai nước ký kết hiệp định, đó là làm gia tăng “mức độ quan tâm” và “sự tự tin” giữa các doanh nghiệp muốn xuất khẩu mặt hàng Việt Nam sang châu Âu và ngược lại.
Khi lựa chọn một quốc gia Đông Nam Á để đầu tư, chắc chắn các doanh nghiệp châu Âu muốn ưu tiên những quốc gia đã ký FTA, bởi nó ảnh hưởng đến chi phí trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt cũng sẽ quan tâm và nhận thấy tiềm năng tại thị trường châu Âu, từ đó được tiếp thêm “sức mạnh” khi đầu tư lớn tại khu vực này. Ví dụ, một số doanh nghiệp hàng đầu như FPT, VINFAST hay một số ngân hàng lớn của Việt Nam đã có hoạt động đầu tư vào châu Âu trong những năm gần đây.
Theo thời gian, chắc chắn một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ đầu tư vào nhiều thị trường lớn ở châu Âu hơn nữa. Điều này có ý nghĩa to lớn cho cả hai nền kinh tế.
Ông đánh giá thế nào về vai trò và vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu cũng như trong khu vực?
Tôi mới trở về châu Âu, gặp gỡ và tham gia trao đổi cùng các đại diện của Liên minh châu Âu. Cách đây 10 năm, khi nhắc đến châu Á, họ chủ yếu nghĩ đến Trung Quốc - một nền kinh tế rất lớn. Nhưng hiện tại, nhắc đến châu Á, rất nhiều người sẽ nghĩ đến Việt Nam.
Tôi nghĩ thời gian này chính là “cơ hội vàng” của Việt Nam. Tuổi trung bình của người dân hiện tại khá trẻ. Từ nay đến 20 năm sau là thời kỳ Việt Nam có nhiều cơ hội để bứt phá và đạt được mục tiêu của Đảng và Chính phủ, đó là thu nhập trung bình trên đầu người thuộc nhóm thu nhập cao của thế giới vào năm 2045.
Hành trình tới Việt Nam theo đuổi lĩnh vực thức ăn chăn nuôi của ông như thế nào? Ông đã có kỷ niệm đáng nhớ gì khi sinh sống và làm việc tại đây?
Tới Việt Nam du lịch lần đầu vào năm 2001, tôi đã gặp một người phụ nữ Việt và người ấy trở thành vợ của tôi sau này. Tôi và vợ đã sống ở Hà Lan một thời gian khi tôi làm giám đốc ngân hàng.
Hồi năm 2008, khi De Heus biết tôi có thể nói tiếng Việt, thường xuyên về Việt Nam và có vợ người Việt, họ đã ngỏ ý đề nghị tôi chuyển qua một lĩnh vực mới. Khi ấy, tôi đã tin Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển rất tốt trong tương lai.
Tôi cũng muốn về Việt Nam cùng vợ…thực ra là vì nghe lời “vợ” (cười lớn). Vì vậy, nếu được mời làm việc ở một lĩnh vực khác, tôi vẫn sẽ đồng ý và “khăn gói” về Việt Nam ngay. Ngoài ra, tôi cũng thấy lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam rất hay. Những người làm trong ngành này gần gũi, thật thà và quyết tâm.
Nói về kỷ niệm, tôi rất khó quên lần đầu tiên được thưởng thức món trứng vịt lộn. Sợ là thật nhưng ăn thì cũng thấy ngon. Khi thấy tôi khen, người dân địa phương đã hồ hởi mời tôi thêm 2 quả nữa. Lần đầu mà ăn tới 3 quả trứng vịt lộn khiến tôi không thể nào quên (cười lớn).
De Heus gần đây mới khai trương một nhà máy thức ăn thủy sản mới tại Khu công nghiệp Cần Thơ. Vậy thời gian sắp tới, Tập đoàn sẽ có những dự án đầu tư nào khác tại Việt Nam?
De Heus dự kiến khánh thành thêm một nhà máy nữa ở Vĩnh Long chuyên về thức ăn cho tôm vào quý I/2024. Trong năm đó, chúng tôi cũng sẽ đưa vào hoạt động một số dự án mới, bao gồm một nhà máy ấp ở Vĩnh Phúc, một trại giống gia cầm ở Tây Ninh và một trại giống heo ở Gia Lai.
Là một doanh nhân đến từ châu Âu, ông đánh giá ra sao về sự tạo điều kiện của Chính phủ Việt Nam?
Một trong những quyết định tốt nhất của Việt Nam cách đây hàng chục năm là mạnh tay đầu tư vào nhiều khu công nghiệp với các thủ tục rõ ràng và tối ưu. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động của các doanh nghiệp quốc tế ngày nay.
Trụ sở De Heus đặt ở Vĩnh Long, chúng tôi được chính quyền địa phương giúp đỡ rất nhiều về các ưu đãi thuế và thủ tục hành chính. Về phía mình, De Heus cũng chia sẻ về các phương pháp và định hướng để địa phương có thể thu hút đầu tư hơn. Hai bên đã có sự hỗ trợ, hợp tác ăn ý và nhịp nhàng.
Trong quá trình làm việc, ông cảm thấy nhân sự Việt có đặc điểm nào vượt trội so với lực lượng lao động quốc tế?
De Heus là một trong những doanh nghiệp đặt trụ sở chính của châu Á tại Việt Nam. Chúng tôi thấy được nhân sự, đặc biệt là chất lượng lao động của Việt Nam rất tốt. Rất nhiều người Việt cũng chọn làm việc cho tập đoàn tại nhiều chi nhánh ở các quốc gia khác. Đặc biệt, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ. Họ muốn học, muốn thử, muốn được tiếp xúc với công nghệ và đúc kết những kinh nghiệm mới thay vì chỉ tập trung vào các phương pháp truyền thống.
So với 15 năm trước, khả năng tiếng Anh của người Việt cũng thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, tôi thấy phần lớn nhân sự vô cùng chủ động và linh hoạt, hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu khác nhau.
Xin chân thành cảm ơn ông!