Với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu quy định, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi).
Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) ngày 04/10/2023 đã có một số điều chỉnh về kết cấu, cụ thể: bổ sung Chương II về ngân hàng chính sách; chuyển Chương về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu lên trước Chương về tổ chức lại, giải thể, phá sản. Đồng thời, Chương về kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt được tách ra thành 02 chương: (i) Xử lý trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt (Chương XI); (ii) Vay, cho vay đặc biệt (Chương XII).
Trong số các nội dung đề xuất tiếp tục sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), quy định về người có liên quan, quy định liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân và việc hợp nhất Giấp phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là những nội dung nổi bật, đáng chú ý.
Quy định người có liên quan (Khoản 32 Điều 4 dự thảo Luật)
Để đảm bảo an toàn trong hoạt động TCTD, minh bạch hóa việc sở hữu cổ phần của cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó, hạn chế tình trạng thao túng hoạt động của các TCTD, dự thảo Luật bổ sung một số nhóm người có liên quan bao gồm: (i) “công ty con của công ty con của TCTD; (ii) ông bà nội, ông bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại, cô, dì, chú, cậu, bác ruột, cháu ruột, cô ruột, dì ruột, cậu ruột và ngược lại”; xác định rõ hơn đối tượng cá nhân được ủy quyền đại diện cho tổ chức, cá nhân là cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân. Quy định nêu trên đã bảo đảm sự rõ ràng trong việc xác định người có liên quan tại dự thảo Luật.
Tuy nhiên, đối với Quỹ tín dụng nhân dân, đề xuất không áp dụng quy định tại điểm a, e khoản 32 Điều 4 Dự thảo Luật do trên thực tế quy mô dư nợ tín dụng của khách hàng là pháp nhân chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu tổng dư nợ của QTDND. Đồng thời, đối với người có liên quan là cá nhân của Quỹ tín dụng nhân dân tại điểm d khoản 32 Điều 4 giữ nguyên theo Luật hiện hành, chỉ bao gồm “Cá nhân với vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của người này”.
Quy định liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân (Điều 12 dự thảo Luật)
Về nguyên tắc, thông tin định danh khách hàng, thông tin về tài khoản, giao dịch của khách hàng... tại TCTD là dữ liệu cá nhân nhạy cảm và việc cung cấp thông tin cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Tuy nhiên, trong quá trình cung ứng dịch vụ ngân hàng bắt buộc phải có sự trao đổi, xử lý dữ liệu thông tin khách hàng giữa các TCTD với nhau hoặc giữa TCTD với các cơ quan, tổ chức khác. Đối với mỗi giao dịch đều cần có xác nhận đồng ý của khách hàng về việc cho phép TCTD được trao đổi, xử lý dữ liệu cá nhân thì sẽ dẫn đến việc gây ách tắc giao dịch thanh toán thường ngày của người dân cũng như khó khăn trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Trên cơ sở đó, cần thiết phải quy định tại Điều 12 dự thảo Luật về việc cung cấp thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba phải được sự đồng ý của khách hàng trừ một số trường hợp cụ thể như: khi TCTD báo cáo Ngân hàng Nhà nước; khi TCTD trao đổi với nhau thông tin về hoạt động của tổ chức tín dụng; khi thực hiện hoạt động của tổ chức tín dụng; khi phục vụ quá trình can thiệp sớm hoặc kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; khi cung cấp thông tin cho tổ chức thông tin tín dụng; khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật.
Việc hợp nhất Giấp phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 27 dự thảo Luật)
Việc thực hiện đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động tại Cơ quan đăng ký kinh doanh như quy định hiện hành tại Luật TCTD về bản chất cũng là thực hiện thủ tục để Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin, dữ liệu lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho mục đích quản lý. Toàn bộ quy trình kiểm tra, xét duyệt điều kiện cấp, sửa đổi, bổ sung Giấy phép đã được thực hiện bởi cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước. Do đó, thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động tại Cơ quan đăng ký kinh doanh sau khi đã thực hiện thủ tục đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung Giấy phép tại Ngân hàng Nhà nước là trùng lặp, làm gia tăng chi phí cho cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng và toàn xã hội.
Vì vậy, quy định về việc hợp nhất Giấp phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại dự thảo Luật là một bước đột phá trong giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, phù hợp với chính sách chung của Chính phủ, giảm đáng kể thời gian, chi phí mà Cơ quan đăng ký kinh doanh và tổ chức tín dụng phải sử dụng nguồn lực vào việc thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
KY
Xem thêm: 816185VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www