Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm, đảm bảo mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển.
Đối với ngành Ngân hàng, hệ thống ngân hàng cũng từng bước đổi mới và phát triển, hoàn thiện về mô hình tổ chức, thể chế pháp lý, công nghệ và dịch vụ ngân hàng. Đến nay, hệ thống ngân hàng đã có bước phát triển vượt bậc, đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Không chỉ góp phần kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn là một động lực, kênh dẫn vốn quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng trong nước không ngừng cải tiến sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán, kinh doanh, quản trị nhằm nâng cao tốc độ thanh toán và đặc biệt tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ cung cấp và thông tin khách hàng.
Hiện nay, ngành Ngân hàng Việt Nam cũng đang trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ với sự hiện diện của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới tại Việt Nam. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại của Việt Nam cũng tích cực mở rộng thị trường ra nước ngoài như: Úc, Mỹ, Nga, Hồng Kông, Singapore, Cộng hòa Séc, Lào, Campuchia, Myanmar…
Phó Thống đốc cho biết, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam được thành lập năm 1999 với mục tiêu trở thành một định chế tài chính góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và bảo vệ người gửi tiền. Thời gian qua, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ được giao. Tính đến tháng 10/2023, tổng tài sản của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đạt hơn 109 nghìn tỷ đồng tương đương khoảng 4,43 tỷ USD. Nhờ đó, có nguồn lực tốt để sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.
Sau 24 năm đi vào hoạt động, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động và vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Bên cạnh Luật Bảo hiểm tiền gửi ban hành năm 2012, chức năng nhiệm vụ của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam còn được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Phó Thống đốc cũng chia sẻ thêm, hiện nay, Việt Nam đang xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về tổ chức tín dụng. Đối với Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi dự kiến nâng tầm vị trí, giao trách nhiệm hơn nữa qua việc bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ trong can thiệp sớm và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Đây cũng là tiền đề quan trọng và tiếp nối cho quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2024.
“Chắc chắn, sau khi các Luật được sửa đổi, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam sẽ trở thành một định chế tài chính lớn, có vai trò, chức năng quan trọng hơn”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội thảo
Phó Thống đốc cũng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các tổ chức tín dụng yếu kém có vai trò rất quan trọng nâng cao hiệu quả và ổn định của hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Qua đó giúp tổ chức bảo hiểm tiền gửi chuẩn bị kỹ lưỡng cho các sự kiện được bảo hiểm trong tương lai. Nếu việc can thiệp kịp thời được thực hiện hiệu quả ở giai đoạn đầu, các yếu tố gây rủi ro có thể được khắc phục và tình hình kinh doanh được cải thiện. Việc can thiệp kịp thời góp phần duy trì sự ổn định hệ thống ngân hàng và niềm tin công chúng trong khi vẫn bảo tồn giá trị của ngân hàng gặp khó khăn, bảo vệ người gửi tiền tốt hơn và giảm thiểu thiệt hại cho quỹ bảo hiểm tiền gửi.
Phó Thống đốc một lần nữa đánh giá cao chủ đề của Hội thảo, phù hợp trong bối cảnh cần nâng cao vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi nói riêng và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng nói chung không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên khu vực và trên thế giới. Nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều khó khăn, bất ổn, tác động nhiều mặt tới hoạt động kinh tế và nền tài chính nói riêng, kể cả những quốc gia có tiềm lực tài chính mạnh.
Phó Thống đốc bày tỏ mong muốn, Hội thảo tập trung chia sẻ về vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng như sự phối hợp giữa cơ quan giám sát và tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời; kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia... Từ đó giúp Việt Nam hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi nói riêng và hoạt động ngân hàng tại Việt Nam nói chung.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Bảo Lâm – Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cho biết, việc đăng cai tổ chức Hội thảo IADI APRC năm 2023 khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động và trách nhiệm của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong các hoạt động bảo hiểm tiền gửi quốc tế, cũng như sự quan tâm lớn đối với hoạt động bảo hiểm tiền gửi và việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các tổ chức có vấn đề.
Ông Phạm Bảo Lâm nhấn mạnh, trong suốt 24 năm hình thành và phát triển, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã thực hiện hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ chính như: Cấp và thu hồi chứng nhận bảo hiểm tiền gửi; giám sát, kiểm tra, thu phí, đầu tư nguồn vốn; tham gia kiểm soát đặc biệt, chi trả, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi. Tính đến thời điểm hiện tại, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trong đó bao gồm 35 NHTM Việt Nam, 02 ngân hàng liên doanh, 09 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài), 1.179 Quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Ngoài ra, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng rất chú trọng đến các hoạt động hợp tác quốc tế như tăng cường hợp tác song phương với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng như tham gia tích cực các hội nghị, hội thảo, diễn đàn đa phương, các hoạt động nghiên cứu chung của IADI, APRC…
Ông Phạm Bảo Lâm – Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Chia sẻ về vai trò của Bảo hiểm tiền gửi trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời rủi ro đối với hoạt động của ngân hàng, ông Lâm cho biết, Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Trong đó bao gồm việc phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 03 nhóm nội dung gồm: Tổng quan về phát hiện sớm và can thiệp kịp thời; Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời; Sự phối hợp giữa cơ quan giám sát và tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Theo ông Hidenori Mitsui – Chủ tịch Ủy ban APRC, Chủ tịch Tổng Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Nhật Bản nhận định, qua một số sự việc đổ vỡ một số ngân hàng trên thế giới xảy ra thời gian vừa qua càng thấy rõ được vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Thông qua hoạt động này, trong trường hợp một ngân hàng đổ vỡ sẽ có thể giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất. Đây là cách làm để giải quyết khủng hoảng tốt hơn. Thực tế, có nhiều phương pháp để có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các rủi ro trong hoạt động ngân hàng, trong đó cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, đây là giải pháp mấu chốt để đảm bảo hệ thống tài chính hoạt động ổn định.
Cho rằng vai trò của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi rất quan trọng bởi lẽ Cơ quan bảo hiểm tiền gửi có vai trò quản lý quỹ bảo hiểm tiền gửi, nếu ngân hàng có vấn đề sụp đổ thì quỹ này sẽ tổn thất. Chính vì vậy, TS. JaeHoon Yoo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Hàn Quốc lưu ý, để có thể hạn chế tối đa thiệt hại của quỹ thì các tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải chủ động, tích cực, có đủ quyền để có thể bảo vệ các ngân hàng, tránh các tổ chức này gặp khó khăn và sụp đổ. Các tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải hợp tác chặt chẽ với NHTW và Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng để giữ sự ổn định của nền tài chính.
Ông JaeHoon Yoo cũng đánh giá, cơ quan bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoạt động chuyên nghiệp, có những nhiệm vụ, chế tài rõ ràng từ Chính phủ. Nhưng nếu so sánh với bảo hiểm tiền gửi ở một số nước khác như Mỹ, Hàn Quốc… thì vẫn còn dư địa để Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam mở rộng khả năng của mình, đảm bảo tính ổn định của thị trường tài chính, toàn bộ thị trường tài chính Việt Nam.
Thông qua thảo luận và những chia sẻ kinh nghiệm trên cơ sở các nội dung thảo luận trên, Hội thảo gợi mở thêm nhiều khía cạnh mới của vấn đề cùng các định hướng, giải pháp đáng chú ý nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm tiền gửi nói chung và tăng cường vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời tổ chức tín dụng yếu kém nói riêng.
Đ.Khôi
Xem thêm: 716185VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www