Dọc theo tuyến đường trung tâm của xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa), bí đỏ chất đống cả tháng nay nhưng không bán được, nhiều hộ để bí ngoài ruộng không muốn thu hoạch.
Ông Hoàng Công Nhật (xã Ninh Sơn) cho biết gia đình ông trồng khoảng 4ha bí đỏ, nhưng đã vào giữa vụ mà ông chỉ bán được vài chục cân bí.
"Các năm trước thương lái từ Tuy Hòa, Quy Nhơn hay các tỉnh miền Nam như Bình Dương, Đồng Nai đi mua bí rất đông, nhưng năm nay lại ít, khi đến mua lại ép giá thấp. Giá mua tại vườn chỉ 1.800 đồng/kg (bí hạt đậu) và 3.000 đồng/kg (bí bánh xe), chỉ bằng một nửa so với giá của những năm trước. Với giá đấy, chúng tôi sẽ lỗ vốn, nên đành chờ giá tốt hơn" - ông Nhật nói.
Còn gia đình anh Đoàn Văn Chi trồng 6ha bí, sản lượng ước tính khoảng 60 tấn, tuy nhiên năm nay chỉ mới bán được vài tạ. Anh Chi cho rằng năm nay ở trong miền Nam, bí đỏ cũng được mùa nên không có nhiều thương lái tìm đến đây, phần vì bà con năm nay trồng quá nhiều nên dẫn đến tồn đọng, không cách nào tiêu thụ hết.
Theo ông Mai Xuân Bình - phó chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, việc bí đỏ tồn đọng nhiều như mùa vụ năm nay do diện tích trồng bí tại địa phương tăng đột biến.
"Những năm trước, diện tích trồng bí tại địa phương chỉ có khoảng 250ha, tuy nhiên ở mùa vụ năm nay, con số ấy tăng gần gấp đôi, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 450ha bí đỏ" - ông Bình nói.
Lại kêu gọi "giải cứu" bí đỏ
Cũng theo ông Mai Xuân Bình, xã Ninh Sơn đã đưa bí đỏ bán ở các sàn thương mại điện tử và liên hệ với các doanh nghiệp mua nông sản. Tuy nhiên, chỉ bán được một phần nhỏ khi sản lượng bí còn tồn đọng tại Ninh Sơn ước tính khoảng 6.000 tấn.
Ông Huỳnh Tấn Hải - giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa - cho biết để giải quyết tình trạng trên, sở sẽ kêu gọi trung tâm xúc tiến thương mại của các tỉnh khác để thông báo đến các siêu thị, doanh nghiệp có nhu cầu mua, hỗ trợ tiêu thụ bí đỏ cho bà con.
Nhiều nông dân tỉnh Lâm Đồng sớm ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Qua những năm đầu, giờ họ làm vườn rất nhàn nhưng hưởng rất nhiều.