Phải phục vụ được nhân dân
Sáng 10-11, phát biểu giải trình tại tổ về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Đại tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an - cho hay trước đây còn ý kiến tranh luận có nên tách luật này ra từ Luật Giao thông đường bộ hay không, tuy nhiên, hiện nay Quốc hội đã nhất trí chủ trương này.
Về ý kiến đại biểu vẫn còn băn khoăn, Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chỉ thị 23 của Ban Bí thư đảm bảo an toàn giao thông đường bộ đã nêu rõ xây dựng 2 luật và đây là căn cứ pháp lý quan trọng.
Trong quá trình soạn thảo đã chỉ đạo việc xây dựng luật này nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý nhà nước về an toàn giao thông.
Bên cạnh đó phải phục vụ được nhân dân để nhân dân đồng tình ủng hộ, thực thi và bảo đảm quyền lợi cao nhất của người dân.
"Tất cả các chương, các điều trong quá trình chỉnh sửa, soạn thảo chúng tôi chỉ đạo xây dựng đều phải đảm bảo tinh thần này. Nếu không đảm bảo được tinh thần đó phải chỉnh sửa", ông nêu.
Bộ trưởng Tô Lâm cho hay dự luật thể hiện rất quan tâm đến người yếu thế khi tham gia giao thông và thực tế, bộ cũng chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông rất quan tâm đến vấn đề này.
Ông nhắc lại hình ảnh cảnh sát giao thông dắt cháu bé, dẫn cụ già qua đường và cảnh sát giao thông cũng tham gia hỗ trợ cấp cứu.
Ông cho hay ở nhiều nước, người dân gặp vấn đề gì hầu như gọi cảnh sát và họ kết hợp cả xe cấp cứu và xe cảnh sát để làm sao tranh thủ "giờ vàng" kịp thời cứu được nạn nhân.
Đèn đỏ mà xe ưu tiên vẫn đi qua là không đúng luật
Đề cập vấn đề xe chính chủ, ông Tô Lâm khẳng định điều này cần thiết để đảm bảo minh bạch, lành mạnh, để tránh "ông đi không phạt lại phạt ông đã bán xe lâu rồi, tài sản người này lại để người kia quản lý".
Ông nêu rõ trước đây quản lý biển theo xe, bán xe là bán cả biển, thì nay định danh theo biển số xe và khi bán xe phải giữ biển nên sẽ giải quyết được vấn đề.
Về vấn đề chỉ huy giao thông, bộ trưởng nói các nước "làm rất chuẩn", ra đường chỉ có 1 luật. Xe ưu tiên có xe cảnh sát dẫn đường nhưng nếu gặp đèn đỏ dứt khoát phải dừng lại.
"Khi đèn đỏ xe ưu tiên vẫn đi qua. Như thế, ông được ưu tiên lại không thực hiện theo luật. Cái này rất dở và do điều hành giao thông của chúng ta.
Cảnh sát lại phải ngăn người dân để nhường đường rất vất vả, người dân cũng rất vất vả.
Đang đèn xanh của mình đi thì lại phải đứng lại do cảnh sát ngăn lại cho xe ưu tiên, rất nguy hiểm. Người dân phải dừng dù đang đi đúng đường. Do đó chỉ huy giao thông phải thiết kế thế nào đúng luật", ông nói.
Người đứng đầu ngành công an cũng nhấn mạnh mặc dù nhiều nhiệm vụ nhưng biên chế cảnh sát giao thông không được tăng, mà phải áp dụng công nghệ, chuẩn hóa kỹ thuật, thiết bị.
Một vấn đề khác, theo bộ trưởng là hiện ở đâu cũng lắp camera nhưng chả ai kết nối được với ai hay "ông nào cũng muốn làm". Trên đường cao tốc nhà đầu tư cũng lắp camera để kiểm soát giao thông, chứ không lắp loại giám sát hành trình, chỉ đếm đầu xem bao nhiêu xe.
Ông nhắc lại việc sang nước bạn muốn tự đi xe của mình cũng không được vì hệ thống nhận diện không đúng biển số xe là không cho lưu thông. Giờ mình biển rởm, biển giả, thậm chí che biển vẫn chạy. Công nghệ này cần phải tiến hành.
"Nếu làm được sẽ giảm đi "tiếng ong ve" về cảnh sát giao thông, vì chả ai giao dịch với ai thì tiêu cực thế nào được. Bên cạnh đó, phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính", bộ trưởng nêu thêm.
Ông nhấn mạnh cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp tiếp thu, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua ở kỳ họp sau.
Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết có một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tài xế tuyệt đối không có nồng độ cồn trong máu, hơi thở vì quá nghiêm khắc, chưa thực sự phù hợp.