Hôm nay (25-12), Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo của cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng thuộc Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an) và 20 bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Phiên tòa diễn ra trong 4 ngày do thẩm phán Mai Anh Tài (chánh tòa Tòa kinh tế, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội) làm chủ tọa.
Có gần 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ "chuyến bay giải cứu" tại phiên tòa phúc thẩm.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng từ kêu oan bất ngờ xin nhận tội
Trước khi phiên tòa phúc thẩm được mở 2 ngày (ngày 23-12), luật sư của bị cáo Hoàng Văn Hưng cho biết ông Hưng vừa có đơn gửi tòa án xin nhận tội, đồng thời tác động, nhờ người thân, bạn bè nộp thay 18,8 tỉ đồng nhằm khắc phục hậu quả vụ án.
Cùng với đó, bị cáo Hoàng Văn Hưng có đơn xin được xét xử vắng mặt.
Đây là diễn biến bất ngờ bởi sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng có đơn kháng cáo kêu oan.
Suốt quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm vụ chuyến bay giải cứu, Hoàng Văn Hưng luôn khai không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo buộc.
Tại tòa, Hoàng Văn Hưng nhiều lần đề nghị cơ quan tố tụng đưa ra chứng cứ chứng minh bị cáo nhận tiền từ cựu phó giám đốc Công an Hà Nội để chạy án cho tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh.
Thậm chí, khi nói lời sau cùng, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng còn trình bày "hy sinh cả mạng sống để kêu oan".
Ở chiều ngược lại, cả viện kiểm sát và hội đồng xét xử đều cho rằng Hoàng Văn Hưng không thành khẩn, quanh co, gian dối nên không có đủ cơ sở xác định về tính chính xác của các lời khai của bị cáo này.
Việc khẳng định bị cáo Hoàng Văn Hưng "không bị oan", tòa dựa vào "các chứng cứ, lời khai người liên quan, dữ liệu camera an ninh quay lại cảnh Hưng nhận cặp da và các dữ liệu khác" để thấy rằng hành vi của cựu điều tra viên đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Theo bản án, Hưng phạm tội rất nghiêm trọng khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, phạm tội hai lần trở lên. Bị cáo còn lợi dụng vị trí công tác để lừa cho bị hại tin tưởng giao tiền.
Do đó, bản án sơ thẩm kết luận Hoàng Văn Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD, khẳng định "Hoàng Văn Hưng không bị oan" và tuyên án chung thân.
Bị cáo xin vắng mặt, phiên tòa sẽ xử như thế nào?
Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội), giai đoạn sơ thẩm bị cáo Hoàng Văn Hưng kêu oan, tranh luận gay gắt với cơ quan tố tụng và một số bị cáo khác để chứng minh mình không phạm tội. Việc bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo, thừa nhận hành vi phạm tội là tình tiết mới, bất ngờ.
"Nếu Hoàng Văn Hưng có mặt tại phiên tòa phúc thẩm thì tòa án sẽ thuận lợi hơn trong việc làm rõ lý do thay đổi nội dung kháng cáo để xác định nhận thức, thái độ của bị cáo đối với hành vi của mình.
Tuy nhiên, bị cáo Hưng lại xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm, việc xét xử vắng mặt này có thể sẽ không làm rõ được thái độ của bị cáo và lý do thay đổi lời khai, một số tình tiết có liên quan đến bị cáo khác cũng sẽ có thể gặp trở ngại.
Chính vì vậy rất có thể dù bị cáo xin xét xử vắng mặt nhưng tòa án vẫn triệu tập bị cáo tham gia phiên tòa để làm rõ hành vi của các bị cáo khác cũng như làm rõ thái độ nhận thức của Hưng tại giai đoạn phúc thẩm để xem xét có chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo của bị cáo", luật sư Cường phân tích.
Luật sư Cường nhận định thêm, theo quy định pháp luật thì bị cáo cũng có thể vắng mặt tại phiên tòa và tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo.
Việc xin xét xử vắng mặt là quyền của bị cáo, còn tòa án có cho phép vắng mặt hay không sẽ phụ thuộc vào đánh giá của hội đồng xét xử về tầm quan trọng của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
"Việc quyết định bị cáo có được xét xử vắng mặt hay không, có phải tham gia phiên tòa phúc thẩm hay không do hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định. Trên cơ sở các tài liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án và đảm bảo việc xét xử phúc thẩm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, giải quyết vụ việc một cách khách quan, công bằng, nhanh chóng, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo, các đương sự", luật sư Cường phân tích.
Ngoài cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng, 20 người khác trong vụ án chuyến bay giải cứu cũng gửi đơn kháng cáo.
Trong các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt có: Nguyễn Thị Hương Lan (cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an).
Cả ba người này đều bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân về tội "nhận hối lộ".
Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, cuối tháng 7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử và tuyên phạt 54 bị cáo các mức án từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến tù chung thân về 5 tội danh: "đưa hối lộ", "nhận hối lộ", "môi giới hối lộ", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Theo bản án sơ thẩm, quá trình tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài do dịch COVID-19 về nước, từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, 25 bị cáo là cựu quan chức, cán bộ ở nhiều bộ ngành đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhận hối lộ số tiền hơn 164 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại số tiền hơn 10 tỉ đồng.
Trước phiên tòa phúc thẩm vụ chuyến bay giải cứu, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng bất ngờ có đơn xin nhận tội, xin nộp 18,8 tỉ bị cáo buộc lừa chạy án.