Ngày 10-11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình Quốc hội tờ trình về dự án Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ sửa đổi.
Trừ điểm bằng lái để buộc lái xe ý thức hơn
Thảo luận tại tổ về dự án luật này, đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) đề xuất dự thảo luật bổ sung quy định tính điểm giấy phép lái xe.
Theo ông Nam, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý Nhà nước chứ không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Bởi thực tế có nhiều người liên tục vi phạm Luật giao thông trong một thời gian ngắn nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh.
Ông dẫn chứng nhiều nước hiện nay đang áp dụng biện pháp này như một cách đánh giá thái độ của lái xe đối với vi phạm, buộc họ phải ý thức hơn nữa để không bị tước giấy phép lái xe và phải học lại, thi lại mới được cấp giấy phép lái xe trở lại.
Đại biểu Trịnh Xuân An - ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng đề nghị phải đưa tính điểm bằng lái đối với tài xế vào dự luật này.
Trong đó, có thể đưa ra mức 16 hoặc 20 điểm và nếu ài xế vi phạm, bị trừ đến số điểm tối đa bao nhiêu sẽ bị hủy bằng, phải thi lại để được cấp.
"Trước đây chúng đã tiến hành bấm lỗ bằng nhưng sau đó bỏ còn giờ thì nên trừ điểm. Tuy nhiên, không phải lỗi nào cũng trừ điểm mà những lỗi như vi phạm tốc độ nghiêm trọng, gây hậu quả sẽ bị trừ điểm cụ thể", ông An nêu.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội cho biết nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục quy định như dự thảo luật trình Quốc hội khóa XIV về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe.
Lý do các ý kiến này cho rằng trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm giao thông là tất yếu, kể cả việc tính điểm, trừ điểm giấy phép lái xe như một số nước (Trung Quốc, Đức) hiện nay đang thực hiện.
Quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại để cả quá trình chấp hành luật của lái xe thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ.
Đồng thời đề nghị cần nghiên cứu cách trừ điểm cho phù hợp với đối tượng, hành vi và bảo đảm tính khả thi và phải học lại, thi lại giấy phép lái xe khi đã bị trừ đến một số điểm nhất định.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng nếu bổ sung thêm hình thức trừ điểm giấy phép lái xe sẽ phát sinh thủ tục hành chính, thêm hình thức xử lý vi phạm, gây phiền hà và áp lực cho người được cấp giấy phép lái xe.
Đề nghị quy định rõ cấm tài xế có nồng độ cồn trong hơi thở hoặc máu
Trong dự thảo luật có quy định hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) bày tỏ ủng hộ quy định này và cho rằng sẽ góp phần hạn chế tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, ông đề nghị ban soạn nghiên cứu quy định nồng độ cồn cụ thể với từng loại phương tiện để đảm bảo tính thống nhất của quy định.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng quy định này được luật hóa từ nghị định 100. Như vậy, tất cả trường hợp tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều vi phạm và bị xử phạt.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đề nghị quy định rõ "có nồng độ cồn" hay "có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép".
Bà nêu quan điểm: "Cần thiết kế lại lại quy định theo hướng chúng ta có thể lựa chọn mức nồng độ cồn thấp để quy định không được vượt quá, nếu không đôi khi không uống gì, thổi cũng lên nồng độ cồn.
Quy định này cần có sự hợp lý, có lộ trình cụ thể để người dân dần hạn chế, tiến tới không sử dụng rượu bia trước khi lái xe".
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) đề xuất nghiên cứu một tỉ lệ nhất định để giới hạn nồng độ cồn cho phép trong khí thở và trong máu, không nhất thiết cứ có nồng độ cồn bị xử phạt.
Ông nói luật các nước trên thế giới về cơ bản họ đều có tỉ lệ nhất định nào đó, vì thế chúng ta cũng nên nghiên cứu.
Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng khi đèn đỏ mà xe ưu tiên vẫn đi qua là không thực hiện theo luật. Ông nói việc này rất dở và do điều hành giao thông của chúng ta.