Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi các cơ quan báo chí phản ánh việc Công ty TNHH Đỗ Gia Capital triển khai thi công xây dựng dự án khu đô thị có nguy cơ tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên khu vực và ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước vịnh Hạ Long, bộ đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo rà soát quá trình thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án.
Xem xét kỹ lưỡng nội dung báo cáo ĐTM và quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM có tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hay chưa để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời…
Đồng thời cần lưu ý một số vấn đề như sự phù hợp của dự án với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Toàn cảnh vùng đệm vịnh Hạ Long đang đô thị hóa
Xác định hạng mục công trình và hoạt động của dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường, đặc biệt tác động tới cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và chất lượng môi trường biển vịnh Hạ Long tại khu vực thực hiện dự án.
Các biện pháp bảo vệ môi trường để bảo đảm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực từ việc thực hiện dự án đến cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái rừng ngập mặn, tính đa dạng sinh học và chất lượng nước biển ven bờ khu vực thực hiện dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo kiểm tra, giám sát chủ đầu tư trong việc thực hiện các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phải xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Đặc biệt lưu ý đến các dự án triển khai ở khu vực vịnh Hạ Long
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn sau khi được phê duyệt ĐTM. Trong đó, đặc biệt lưu ý các dự án triển khai tại khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Trong quá trình thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế đơn thuần.
Thực hiện đúng mục tiêu bảo vệ môi trường đối với các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường, dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường nói chung trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt là đối với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15-11.
Yêu cầu xác định đúng ranh giới cũ
Về việc tỉnh Quảng Ninh muốn thu hẹp diện tích vùng đệm của di sản vịnh Hạ Long, đại diện Cục Di sản văn hóa khẳng định ý kiến của bộ là yêu cầu xác định theo đúng ranh giới khoanh vùng bảo vệ di sản như hồ sơ di sản năm 1994.
Trả lời Tuổi Trẻ Online ngày 10-11 về phương án này của tỉnh Quảng Ninh, đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa nói hiện hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tỉnh Quảng Ninh chỉnh sửa, hoàn thiện.
Về khoanh vùng bảo vệ của di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng thẩm định yêu cầu xác định theo đúng ranh giới khoanh vùng bảo vệ di sản theo hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long mà Quảng Ninh đã trình UNESCO ghi danh năm 1994.
Những hình ảnh lấn biển làm dự án khu đô thị tại khu 10B phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) cũng là một phần thực tế đang diễn ra với hàng ngàn ha vùng đệm khác thuộc vịnh Hạ Long đã và đang đô thị hóa.