Liên Xô trong giai đoạn thập niên 80-90 từng đạt được nhiều thành tựu lớn về khoa học công nghệ. Nơi đây không thiếu những món đồ công nghệ kỳ thú mang màu sắc tương lai, trong đó có những thứ rất giống với các món phụ kiện ngày nay như tai nghe không dây.
1. Mirage - tai nghe không dây
Mirage có cách thức hoạt động đơn giản với hai bộ phận. Một vòng ăng-ten được lắp vào TV đóng vai trò là thiết bị phát sóng vô tuyến và hộp điều khiển nhỏ được trang bị bộ thu có thể nhận tín hiệu trong bán kính khoảng 20 mét.
Chiếc hộp nặng 200 gram này được cấp nguồn bởi viên pin 1,5 volt. Nó nhận tín hiệu âm thanh từ TV rồi truyền đến tai nghe. Tất nhiên tai nghe vẫn dùng dây, nhưng thực sự không có dây nối nào giữa hộp điều khiển và TV – một cách biến tấu có vẻ thô sơ nhưng rất gần với tai nghe không dây ngày nay.
Mirage là thiết bị đầu tiên ở Liên Xô có tai nghe chân không (dạng nút tai). Thiết bị này được thiết kế để xem TV bất chấp mọi tiếng ồn xung quanh.
Trong các căn hộ của Liên Xô, điều này đôi khi là cần thiết, bởi trong thời đại tập thể, nhiều người có thể sống, học tập, tập thể dục và nấu ăn trong cùng một căn phòng.
Mirage được sản xuất tại Ivano-Frankivsk, Ukraine SSR, từ năm 1975 cho đến khoảng cuối những năm 1980. Đây là thiết bị rất hiếm ở Liên Xô. Hầu hết người dân chưa bao giờ có cơ hội nhìn thấy một chiếc chứ đừng nói đến việc thử hoặc sở hữu.
2. Điện thoại hai đầu dây cho trẻ em
Chúng có những tên gọi khác nhau: Pereklichika-M (sản xuất ở Leningrad từ năm 1985) hoặc Druzhok (sản xuất từ năm 1981 tại Nizhny Novgorod). Thiết bị sau được chế tạo dưới hình dạng hai chú chó con dễ thương. Một trong số chúng được cấp nguồn bằng pin.
Nhược điểm chính là dây chỉ dài 10 mét. Trẻ em chỉ thể nói chuyện trên những chiếc điện thoại này ở các căn phòng khác nhau trong cùng một căn hộ hoặc nối dây qua cửa sổ để kết nối với tầng dưới hoặc tầng trên.
3. Bộ đàm
Bộ đàm hay thiết bị liên lạc vô tuyến hai đầu được người tiêu dùng Mỹ sử dụng từ những năm 1950.
Tuy nhiên, chúng không xuất hiện ở Liên Xô cho đến tận cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Chúng cũng hay được gọi là "thiết bị liên lạc cho trẻ em" – Sigma, Duet và Radius.
Mẫu bộ đàm có tên Kolibri còn được thiết kế để giao tiếp không phải bằng giọng nói mà bằng mã Morse. Phạm vi của các bộ đàm này không vượt quá 50-70 mét.
4. Hãy đợi đấy! – trò chơi cầm tay màn hình LCD
Hầu hết mọi học sinh Liên Xô từ nửa sau những năm 1980 trở đi đều mơ ước sở hữu một chiếc. Nó được sao chép từ Game & Watch của Nintendo, một dòng trò chơi điện tử cầm tay, được sản xuất từ năm 1980 đến năm 1991.
Bản chất của trò chơi cũng giống nhau – một con sói bắt những quả trứng bằng mũ hoặc giỏ, được thả rơi từ bốn con gà đặt ở các góc màn hình. Một điểm được cộng cho người chơi cho mỗi quả trứng bắt được.
Lúc đầu, trứng lăn chậm nhưng dần dần tốc độ của trò chơi tăng lên. Nếu một quả trứng rơi xuống đất, người chơi sẽ bị trừ 1 "mạng", trong đó tổng cộng có ba mạng. Giống như Game & Watch của Nintendo, trò chơi cũng có đồng hồ và đồng hồ báo thức.
Trẻ em Nga mê mẩn trò "Hãy đợi đấy" vào những năm 1990 từng lưu truyền lời đồn rằng nếu phá đảo trò chơi (đạt 999 điểm) thì "một bộ phim hoạt hình sẽ được phát". Thế nhưng, sự thật không hề như mong đợi, sau 999 điểm, điểm số bị reset về 0 và bắt đầu lại từ đầu.
5. Trắc nghiệm điện tử
Thiết bị điện đơn giản và được ưa chuộng dành cho trẻ em thời kỳ này là bảng câu hỏi điện tử. Chúng xuất hiện vào giữa những năm 1950 và được sản xuất cho đến cuối những năm 1980.
Thiết kế của chúng khác nhau, nhưng bản chất thì giống nhau: người chơi phải trả lời một câu hỏi bằng cách chọc bút điện tử vào đúng lỗ, sau đó bóng đèn diode sẽ sáng lên.
Cơ học sơ cấp đã mê hoặc nhiều em nhỏ thời đó. Các câu hỏi có thể được thay đổi bằng cách chèn thêm các thẻ khác nhau hoặc thay đổi nội dung của bài kiểm tra.
Các chủ đề cũng rất đa dạng: địa lý, vật lý, động vật hoang dã và vật nuôi, không gian, biển báo đường bộ, v.v.
6. Máy làm sạch đĩa than
Ở Liên Xô có một ngành công nghiệp đĩa than khổng lồ. Không chỉ âm nhạc, mà cả truyện cổ tích dành cho trẻ em, sách nói và nhiều thứ khác cũng được xuất bản dưới định dạng này.
Một trong những thiết bị kỳ lạ nhất của Liên Xô là máy làm sạch đĩa than Elektra-001, được sản xuất tại Nhà máy Radio Ryazan từ năm 1990.
Để sử dụng, người ta cắm điện, đặt máy lên bề mặt đĩa hát và bật lên. Trong 20 giây, Elektra-001 sẽ làm sạch một mặt của đĩa và loại bỏ tĩnh điện.
Thiết bị nặng 250 gram nhưng thực tế không hữu ích lắm vì dây kết nối có thể vướng vào mép đĩa và làm rơi xuống bề mặt đĩa than.
Tất cả những người yêu âm nhạc Liên Xô đều thích làm sạch đĩa than bằng vải nhung, vì đơn giản là đĩa hát quá có giá trị.
7. Đàn organ ánh sáng
Thiết bị đàn organ ánh sáng đầu tiên trên thế giới được tạo ra theo ý tưởng của nhà soạn nhạc người Nga Alexander Scriabin để trình diễn tác phẩm Prometheus (1910) của ông.
Vào những năm 1960-1970, nhà khoa học Liên Xô Bulat Galeyev bắt đầu chế tạo các thiết bị kết hợp ánh sáng và âm nhạc. Tại Kazan, ông đứng đầu phòng thiết kế đặc biệt của Viện Hàng không Kazan. Trên cơ sở đó, Galeyev phát triển nhiều thiết bị đàn organ ánh sáng.
Thiết bị sẽ "đọc" tần số của âm thanh trong bản nhạc và tùy thuộc vào độ khuếch đại của từng tần số riêng lẻ, sẽ cung cấp xung điện tỷ lệ cho đèn sợi đốt. Kết quả là sự thay đổi màu sắc đồng bộ với nhịp điệu của âm nhạc.
Theo Roman Krylov, nhà nghiên cứu về đàn organ ánh sáng, khoảng 80 mẫu đã được sản xuất ở Liên Xô trong những năm 1960-1970, hầu hết là bán theo dạng trao tay và liên tục cháy hàng.
Ở vùng nông thôn Liên Xô hầu như không có câu lạc bộ hay quán bar nào để mọi người có thể nhậu nhẹt và thưởng thức nhạc.
Đàn organ ánh sáng cho phép bạn tổ chức một buổi biểu diễn nhỏ ngay tại nhà nên nó rất được ưa chuộng. Chiếc đàn cũng mang lại cho bất kỳ bữa tiệc nào một nét thẩm mỹ thú vị mang hơi hướng "nước ngoài".
Trên các tạp chí khoa học phổ biến, bạn thậm chí có thể tìm thấy các sơ đồ bố trí điện để tự chế tạo đàn organ ánh sáng đơn giản tại nhà.