vĐồng tin tức tài chính 365

Thủ đoạn nhận hối lộ trong vụ 'chuyến bay giải cứu'

2023-04-05 07:08

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 54 bị can trong vụ án liên quan đến vụ việc trục lợi từ các "chuyến bay giải cứu". Trong đó, 21 người bị truy tố về tội "nhận hối lộ" (gồm cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ GD-ĐT, 2 địa phương là Hà Nội và Quảng Nam); 22 người tội "đưa hối lộ" (chủ yếu là lãnh đạo các doanh nghiệp); 4 người tội "môi giới hối lộ"; 4 người tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và 3 người tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nhận tiền tỉ để ưu ái cho doanh nghiệp thân quen

Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến hàng chục ngàn người tử vong, VN hạn chế các chuyến bay thương mại đến từ các quốc gia khác. Tháng 4.2020, do nhu cầu về nước của công dân tăng cao, Chính phủ cho phép thực hiện các "chuyến bay giải cứu"; công dân thuộc diện ưu tiên chỉ cần trả tiền vé máy bay và một số chi phí tại cơ sở cách ly quân đội. Đến tháng 11.2020, Chính phủ cho phép tổ chức các chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (gọi tắt là chuyến bay combo), song song với các "chuyến bay giải cứu".

Thủ đoạn nhận hối lộ trong vụ 'chuyến bay giải cứu' - Ảnh 1.

4 bị can (từ trái qua): Tô Anh Dũng, Nguyễn Quang Linh, Chử Xuân Dũng và Trần Văn Tân

Bộ Công an

Việc tổ chức các chuyến bay combo được thực hiện bởi nhiều bộ, địa phương. Trong đó, Bộ Ngoại giao chủ trì công tác bảo hộ công dân, đề xuất kế hoạch tổ chức các chuyến bay, báo cáo và trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt các chuyến bay. Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) là đầu mối tiếp nhận, thẩm định năng lực, điều kiện của các doanh nghiệp; cơ quan đại diện của VN ở nước ngoài tập hợp danh sách công dân có nhu cầu về nước để báo cáo Cục Lãnh sự xét duyệt; UBND các tỉnh/thành phố tiếp nhận hồ sơ, chấp thuận chủ trương cách ly…

Tính đến hết tháng 1.2022, cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân về nước.

Quá trình triển khai, một số cá nhân có thẩm quyền đã nhũng nhiễu, nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn.

Điển hình, các cá nhân tại Vụ Quan hệ quốc tế (Văn phòng Chính phủ) và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đề xuất thẳng lên lãnh đạo Chính phủ duyệt chủ trương cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp thân quen, bỏ qua quy trình giám sát, thẩm định. Trong đó, bị can Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, nhận hối lộ 4,2 tỉ đồng; Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, nhận 3,6 tỉ đồng… để giúp doanh nghiệp được tổ chức chuyến bay.

Khi các doanh nghiệp được cấp phép, một số cơ quan đại diện VN ở nước ngoài thỏa thuận, yêu cầu chia lợi nhuận theo từng chuyến bay hoặc chi tiền theo số công dân được về nước, thu tiền của công dân vượt quy định. Ở trong nước, các cá nhân tại Bộ Ngoại giao không chỉ nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp để chấp thuận cấp phép mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp chưa chi tiền, từ đó tạo ra "thị trường" mua bán giấy cấp phép chuyến bay và sang nhượng quyền được tổ chức chuyến bay.

Trong số này, bị can Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng để chỉ đạo cấp dưới đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách thực hiện chuyến bay. Cũng với mục đích tương tự, bị can Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, nhận 25 tỉ đồng. Hoặc như bị can Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ VN tại Nhật Bản, nhận 1,8 tỉ đồng để giúp doanh nghiệp được tham gia bán vé máy bay và khách sạn lưu trú.

Tại các địa phương, một số lãnh đạo lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền của các doanh nghiệp khi phê duyệt chủ trương cách ly cho công dân về nước. Trong đó, bị can Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nhận hối lộ 2 tỉ đồng để cấp chủ trương cách ly cho 5 doanh nghiệp; bị can Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận 5 tỉ đồng để cấp chủ trương cách ly cho công dân trên 56 chuyến bay về cách ly.

"Chạy án" ngay trong quá trình điều tra

Vẫn theo kết luận, hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay combo nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 nhóm đơn vị triển khai, số còn lại cho mượn pháp nhân hoặc đứng ra xin cấp phép rồi nhượng quyền tổ chức. Khi bị gây khó dễ, đại diện các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau đã đưa hối lộ số tiền lớn cho những người có nhiệm vụ, quyền hạn. Để có tiền "bôi trơn", các doanh nghiệp đã nâng giá vé máy bay và chi phí phát sinh.

Trong nhóm này, Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh, và Nguyễn Thị Thúy Hằng, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh, đã bàn bạc, móc nối, đưa hối lộ tổng cộng 38,5 tỉ đồng để xin giấy phép thực hiện 109 chuyến bay. Đặc biệt, ngay trong quá trình Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ việc, 2 bị can Sơn và Hằng đã tìm mối để "chạy án". Người được nhờ vả là thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội.

Kết luận điều tra nêu, quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng. Do vậy, cơ quan này đã ra quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan, chuyển hồ sơ đến Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Cơ quan ANĐT Bộ Công an cũng tách vụ án để điều tra với một bị can đang bỏ trốn; đồng thời tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý đối với những dấu hiệu sai phạm liên quan tại một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và một số người khác có liên quan trong vụ án.

Ông Tuấn không có chức năng, nhiệm vụ điều tra, xử lý vụ án nhưng quen biết với Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng Điều tra (Cục ANĐT Bộ Công an), cựu điều tra viên thụ lý chính vụ án. Với mục đích giúp cho Hằng, Sơn không bị xử lý hình sự, ông Tuấn nhận lời làm trung gian, nhận tiền từ 2 người này rồi chuyển cho ông Hưng.

Khi còn là trưởng phòng và điều tra viên thụ lý vụ án, ông Hưng nhiều lần liên hệ trao đổi thông tin với ông Tuấn; gặp gỡ, hướng dẫn Hằng và Sơn cách thức khai báo khi làm việc với điều tra viên để hướng tới việc không bị xử lý hình sự. Sau này, khi bị điều chuyển công tác, dù không còn nhiệm vụ, quyền hạn, ông Hưng vẫn khẳng định "kiểm soát được tình hình" để nhận tiền của Hằng và Sơn thông qua ông Tuấn.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 1 - 12.2022, ông Tuấn làm trung gian, nhận từ 2 bị can Sơn, Hằng tổng cộng 2,65 triệu USD. Trong đó, ông Tuấn khai đã sử dụng 400.000 USD và đưa 2,25 triệu USD cho ông Hưng để lo lót cho Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ có đủ căn cứ kết luận ông Hưng đã nhận 800.000 USD từ Hằng thông qua ông Tuấn để "chạy án"; số tiền 1,45 triệu USD còn lại chưa đủ cơ sở khẳng định ông Hưng có nhận hay không. Do đó, ông Tuấn phải chịu trách nhiệm đối với số tiền này, cộng với 400.000 USD trước đó, tổng là 1,85 triệu USD.

Ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của VN trên trường quốc tế

Theo Cơ quan ANĐT Bộ Công an, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng cả trong và ngoài nước.

Hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, vì mục đích lợi nhuận, vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Cùng với đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ quan, tổ chức và uy tín của VN trên trường quốc tế; làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo sơ hở để các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Xem thêm: mth.83148400504032581-uuc-iaig-yab-neyuhc-uv-gnort-ol-ioh-nahn-naod-uht/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thủ đoạn nhận hối lộ trong vụ 'chuyến bay giải cứu'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools