Tại đây, các giáo sư hàng đầu về cột sống đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã chia sẻ và chuyển giao các kỹ thuật mổ nội soi ít xâm lấn cột sống, phẫu thuật cột sống với hệ thống hoa tiêu định vị kết hợp với cánh tay robot; kinh nghiệm xử lý các trường hợp ung thư di căn xương sống; phương pháp nội soi hàn liên thân đốt sống - cột sống…
Đây là hội nghị quốc tế cột sống lần thứ 2 được tổ chức tại Cần Thơ, do Liên chi hội Cột sống TP.HCM phối hợp với Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ tổ chức.
Hội nghị đặt ra mục tiêu kết hợp với chuyển giao kỹ thuật cho Trung tâm Chấn thương - Chỉnh hình (trực thuộc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ), giúp triển khai phẫu thuật cho bệnh nhân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo PGS Võ Văn Thành - chủ tịch danh dự Liên chi hội Cột sống TP.HCM, trong hội nghị lần trước kỹ thuật "nắn chỉnh và cố định cột sống cổ bằng ốc chân cung" đã được các giáo sư Nhật Bản chuyển giao và được thực hiện tại Cần Thơ.
Hiện nay, Trung tâm Chấn thương - Chỉnh hình Cần Thơ đã được thành lập 4 năm, rất cần phát triển các kỹ thuật chuyên sâu về phẫu thuật cột sống cũng như các chuyên ngành: cổ bàn chân, cổ bàn tay, ung thư học chỉnh hình, nội soi, thay khớp, kỹ thuật vi phẫu… để phục vụ chăm sóc cho hơn 22 triệu dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bác sĩ Nguyễn Minh Vũ - giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết để theo kịp xu hướng phát triển và nhu cầu khám điều trị về chấn thương, chỉnh hình của người dân đồng bằng, Trung tâm Chấn thương - Chỉnh hình của bệnh viện luôn cập nhật phát triển kỹ thuật mới. Ngoài học tập trong nước, các bác sĩ còn được liên kết đưa đi đào tạo ở nước ngoài.
Hiện tại trung tâm luôn quá tải với 150 giường bệnh thực kê, trên 7.500 ca phẫu thuật mỗi năm. Đặc biệt khoa cột sống - chấn thương trực thuộc trung tâm cũng đã có những ca mổ lớn, kỹ thuật khó như phẫu thuật gãy mất vững cột sống cổ cao C1-C2.
Các bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM vừa phẫu thuật thành công cho một phụ nữ tại Long An bị chứng còng, vẹo cột sống nặng suốt 15 năm.