Tín dụng tăng trưởng chậm
Con số 7,1% của tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10 là một con số đáng chú ý. Vì cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã công bố tín dụng tăng 6,92%. Như vậy, sau 1 tháng mức tăng khá ì ạch.
Thậm chí, giữa tháng 10, dư nợ tín dụng còn có dấu hiệu suy giảm, hiểu nôm na là lượng tiền trả nợ khoản vay về nhiều hơn so với lượng vốn các ngân hàng cho vay ra được.
Như vậy, so với mức kế hoạch đặt ra vào đầu năm là 14%, tới thời điểm hiện tại, khi hơn 2/3 chặng đường của năm đã qua thì mức thực hiện chỉ đạt một nửa. Giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thẳng thắn nhìn nhận việc sụt giảm là do cầu tín dụng yếu.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là do cầu về tín dụng. Số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút, khả năng khai thác cầu nội địa cũng khó khăn do doanh nghiệp và người dân, đặc biệt người dân tiêu dùng cuối cùng rất nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Nguồn cung tín dụng chúng tôi cũng điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng…".
Đến cuối tháng 10, tín dụng mới tăng hơn 7,1%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp
Điều kiện cho vay thì khó có thể yêu cầu các Ngân hàng hạ chuẩn khi chúng ta đang cần nâng cao chất lượng tín dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị, các ngân hàng cần linh hoạt hơn khi xem xét hạn mức tín dụng.
Đối với các doanh nghiệp nông sản cần vốn lớn để thu mua như cà phê, lúa gạo doanh nghiệp đề xuất ngân hàng sẽ mở rộng các gói cho vay linh hoạt, ưu đãi vào đúng mùa thu hoạch giúp doanh nghiệp kịp thời có vốn để thu mua.
"Vào thời điểm mùa vụ thì cần nguồn vốn thanh toán cho bà con nông dân. Doanh nghiệp không đủ nguồn vốn sẽ rơi vào tình trạng ép giá…, bà Trần Thị Lan Anh - Phó Giám đốc, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho hay.
Ông Phan Văn Liên - Chủ tịch HĐQT, Công ty TNHH Vinh Phúc cho rằng: "Lãi suất có thời kì 8% nhưng bây giờ xuống 7%. Ngân hàng cần có lãi suất kịp thời theo tình hình kinh tế thị trường và sự phát triển của xã hội".
Để tín dụng thực sự thông suốt thì 2 nút thắt cần phải được tháo gỡ: Một là thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp; hai là lãi suất cho vay cần được giảm hơn nữa.
Bà Nguyễn Thị Khánh Huyền - Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Cổ phần chứng khoán MB cho hay: "Lãi suất đầu vào đã hạ đáng kể từ đầu năm 2023. Nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại dường như giảm chưa giảm tốc, đồng pha với đầu vào. Có lẽ chúng ta cần thêm thời gian nữa để lãi suất đầu ra giảm về mặt bằng thích hợp có thể kích thích nhu cầu tín dụng".
Ngân hàng chủ động thúc đẩy cho vay
Tín dụng cũng đang có sự phân hóa khá lớn giữa các ngân hàng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Tín dụng cũng đang có sự phân hóa khá lớn giữa các ngân hàng. Theo báo cáo kết quả kinh dinh doanh quý III có ngân hàng tín dụng mới tăng 3-4%, nhưng cũng có một vài ngân hàng nhanh chân hơn, tăng 15 - 16%. Bản thân mỗi ngân hàng cũng có chiến lược riêng nhằm mở rộng cho vay.
Để giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, Ngân hàng SHB này quyết định dành 6.000 tỷ đồng, với mức lãi suất chỉ từ 6,97%/năm để cho vay sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tiêu dùng. Đồng thời, đơn giản các thủ tục vay vốn, đưa ra những ưu đãi khác về thanh toán, tài trợ thương mại...
Ngoài ưu đãi cho vay mới, Ngân hàng Agribank còn quyết định đều chỉnh lãi suất với các khoản vay hiện hữu theo từng lĩnh vực, giảm tối đa đến mức sàn cho vay hiện hành và không tính lãi suất phạt quá hạn hay lãi chậm trả. Trong đó sẽ có những khách hàng có thể được giảm lãi suất từ 3 - 4 điểm phần trăm.
Xung quanh nội dung "Giải pháp nào để thúc đẩy cho vay dịp cuối năm", mục Tiêu điểm của chương trình Dòng chảy tài chính với sự tham gia trực tiếp của ông Nguyễn Kim Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có những phân tích, bình luận chi tiết.
VTV.vn - Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành rất linh hoạt về tín dụng khi thực hiện các giải pháp để thúc đẩy cả bên cung và cầu vốn tín dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.97602040121113202-man-iouc-pid-yav-ohc-yad-cuht-ed-oan-pahp-iaig/et-hnik/nv.vtv