Thời gian qua, nhiều đường bay nội địa và quốc tế đột ngột dừng khai thác, nhiều chuyến bay hoãn, hủy chuyến, vé máy bay bất ngờ tăng cao ngất ngưởng dù không phải là cao điểm lễ, Tết khiến hành khách phàn nàn về chất lượng dịch vụ hàng không.
Các hãng hàng không liên tục giảm máy bay
Theo các chuyên gia hàng không, thị trường hàng không Việt Nam có sáu hãng bay tham gia, tạo nên sự cạnh tranh về dịch vụ và giá vé để thu hút khách. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số hãng giảm tải, cắt giảm đường bay đã đẩy giá vé nội địa lên cao, khách hàng buộc phải bỏ chi phí cao hơn để đi máy bay.
Đề nghị ngành đường sắt, đường bộ tăng năng lực vận chuyển
Song song với các giải pháp bảo đảm năng lực vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam, đại diện Cục hàng không cho biết sẽ báo cáo Bộ GTVT để chỉ đạo các doanh nghiệp đường sắt, đường bộ tăng cường năng lực vận chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Một đại diện Cục Hàng không Việt Nam bật mí: “Các trang thông tin theo dõi hàng không toàn cầu thể hiện số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam giảm nhiều so với hồi đầu năm”. Theo vị này, để tồn tại, ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm cơ hội phát triển, các hãng hàng không Việt Nam đã phải thực hiện nhiều giải pháp tái cơ cấu tài chính, đội bay, bộ máy tổ chức cho đến phương án kinh doanh. Trong đó, các hãng tập trung tái cơ cấu tài chính, bổ sung nguồn vốn, dòng tiền, cắt giảm chi phí.
“Bamboo Airways đã thực hiện các giải pháp này và chú trọng vào việc tổ chức lại mô hình hoạt động, tái cấu trúc lại đội bay bằng việc giảm quy mô khai thác, trả các máy bay không phù hợp và dừng khai thác các đường bay kém hiệu quả” - vị này dẫn chứng.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Bamboo Aiways, chia sẻ hãng đang tái cơ cấu mạnh mẽ, do đó đã mời đội ngũ lãnh đạo có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, thực chiến để đưa hãng vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Theo đó, giải pháp ngắn hạn hãng sẽ tập trung tái cấu trúc đội bay, đường bay không hiệu quả, càng bay càng lỗ. Tuy nhiên, về lâu dài hãng sẽ có tính toán từng loại máy bay phù hợp, đảm bảo hiệu quả đưa vào khai thác. Còn về giá vé dịp cao điểm cuối năm, hãng sẽ tính toán để có sự cạnh tranh trên các đường bay đông khách như TP.HCM đi Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Phú Quốc.
Đại diện một hãng hàng không khác cho biết việc giảm đội bay, đường bay của một số hãng vừa rồi không những ảnh hưởng tới hành khách mà còn ảnh hưởng lớn đến nhân sự trong lĩnh vực hàng không. Cụ thể như việc giải quyết chế độ đối với phi công, tiếp viên, nhân viên mặt đất thế nào cho thấu đáo, chia sẻ với người lao động.
213 máy bay khai thác dịp Tết
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về nguyên nhân các hãng hàng không liên tục giảm số lượng máy bay, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam phân tích sau thời gian dài bị tác động của dịch COVID-19, các hãng hàng không Việt Nam nói riêng cũng như các hãng hàng không thế giới nói chung gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với Việt Nam, mặc dù thị trường hàng không đang dần hồi phục nhưng hệ lụy vẫn còn rất lớn như thiếu nhân lực, một số quốc gia chậm mở cửa. Cùng đó, phát sinh như xung đột Nga - Ukraine, giá nhiên liệu hàng không tăng cao khiến cho kết quả sản xuất, kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam không được như kỳ vọng, doanh thu không bù đắp được chi phí.
Cục Hàng không đưa ra số liệu trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 15 tháng Chạp đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch), để phục vụ và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, các hãng hàng không dự kiến cung ứng xấp xỉ 5,5 triệu ghế trên các đường bay nội địa (tăng 4% so cùng kỳ) và xấp xỉ 2,1 triệu ghế trên các đường bay quốc tế (tăng 36,8% so cùng kỳ). So với lịch bay thường lệ mùa đông 2023-2024, tải cung ứng trên các đường bay quốc tế và nội địa tăng lần lượt 17% và 69%. Với lượng tải cung ứng này, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến sử dụng 213 máy bay.
Nhà chức trách hàng không chia sẻ bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hãng hàng không, cục sẽ rà soát, chỉnh sửa các quy định của pháp luật để phù hợp với tình hình thực tiễn; chủ động nghiên cứu thị trường, hỗ trợ các hãng hàng không trong hoạt động khai thác. Cục cũng làm việc với các nhà chức trách hàng không của các quốc gia để tăng tải cung ứng, hỗ trợ hoạt động khai thác ở các sân bay mà các hãng hàng không Việt Nam khai thác; nâng cao năng lực điều hành khai thác tại các cảng hàng không.
Cạnh đó, cục cũng hỗ trợ các hãng hàng không đảm bảo lực lượng vận tải và tăng năng lực khai thác thông qua việc tìm kiếm các máy bay thuê ngắn hạn, dừng các hợp đồng cho thuê máy bay để lấy lại máy bay như VietJet lấy lại máy bay cho Thai VietJet thuê. Bên cạnh đó, kéo dài thời gian khai thác hằng ngày của đội máy bay, tăng cường khai thác khung giờ đêm đến các cảng hàng không.
Đối với đường bay quốc tế, Cục Hàng không tiếp tục làm việc với các nhà chức trách hàng không Úc, Ấn Độ để đàm phán tăng tải cung ứng giữa Việt Nam với các quốc gia này.•
Bay giờ đẹp, vé VIP giá 5-10 triệu đồng
Khảo sát nhanh ngày 8-11, từ ngày 19-1-2024 (tức ngày 19 âm lịch) vé trên đường bay nội địa đồng loạt tăng giá. Đường bay TP.HCM - Hà Nội giá 2,2-3 triệu đồng/lượt. Đến ngày 25 âm lịch, giá vé lên 3,1-3,6 triệu đồng/lượt nếu bay VietJet, Bamboo Airways. Cùng ngày, các đại lý báo vé thương gia của Vietnam Airlines bay khung giờ sáng, trưa gần 10 triệu đồng/lượt.
Tương tự, chặng bay TP.HCM đi Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng cũng luôn nằm trong tốp vé cao kịch khung 3,5-3,7 triệu đồng/lượt.
Lý do mùa thấp điểm nhưng giá vé máy bay vẫn cao
(PLO)- Tần suất khai thác các hãng hàng không sụt giảm khiến giá vé máy bay mùa thấp điểm bất ngờ tăng cao.