Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 chính thức khai mạc vào ngày 11-11 tại TP San Francisco (bang California, Mỹ) và sẽ kéo dài đến ngày 17-11 với chủ đề “Kiến tạo một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người”.
APEC sẽ bàn hàng loạt vấn đề nóng
Mở đầu cho Tuần lễ cấp cao là Hội nghị tổng kết quan chức cấp cao APEC (CSOM) vào ngày 11 và 12-11. Sau đó, Hội nghị bộ trưởng Tài chính APEC (FMM) diễn ra vào ngày 13-11. Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế (AMM) được tổ chức vào ngày 14 và 15-11. Cuối cùng và quan trọng nhất là Hội nghị Lãnh đạo kinh tế APEC diễn ra vào ngày 16 và 17-11.
APEC là diễn đàn hàng đầu để Mỹ “thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, công bằng và cởi mở, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo trang web apec2023sf.org.
Trả lời phỏng vấn báo San Francisco Chronicle, ông Matt Murray, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách APEC, cho biết mục tiêu của Tuần lễ cấp cao APEC năm nay là đưa ra các ý tưởng chính sách và khuyến khích đầu tư, thương mại trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, Mỹ dự kiến sẽ công bố những tiến bộ trong chính sách của APEC ở một số lĩnh vực, bao gồm nền kinh tế kỹ thuật số, nguyên tắc điện toán đám mây, bộ công cụ hỗ trợ các nền kinh tế vừa và nhỏ trước tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, khả năng phục hồi của nền kinh tế năng lượng cũng như các mục tiêu bền vững về năng lượng sạch.
Theo ông Murray, lãnh đạo và đại diện các nền kinh tế APEC dự kiến cũng sẽ thảo luận các biện pháp chống tham nhũng và quản lý thảm họa, bao gồm thông qua các cuộc họp Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ là chủ đề trong các cuộc thảo luận của APEC.
Quan chức Mỹ cũng cho hay phát triển bền vững sẽ là chủ đề chính của hội nghị năm nay, các cuộc họp sẽ đề cập nhiều chủ đề liên quan đến biến đổi khí hậu, từ an ninh lương thực đến giảm phát thải ròng.
“Tất cả nền kinh tế đều đang thảo luận về thách thức của biến đổi khí hậu và chúng ta với tư cách là một tổ chức như APEC có thể làm gì để đối phó với vấn đề đó, cho dù đó là tập trung vào việc chuyển đổi năng lượng, hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững, hay mối quan hệ giữa giới và khí hậu?” - ông Murray đặt câu hỏi.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Tuần lễ APEC sẽ là dịp để Mỹ - trên cương vị là chủ tịch APEC 2023 nêu bật sức mạnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, mối quan hệ kinh tế lâu dài của nước này với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như vai trò của nền kinh tế Mỹ trong thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới cho khu vực và toàn cầu.
APEC không phải là đấu trường đàm phán
Chuyên gia Nicholas Szechenyi, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ, nghiên cứu các vấn đề quốc tế), lưu ý rằng APEC không phải là một đấu trường đàm phán. Trên thực tế, diễn đàn này có một lịch sử lâu dài và đáng tự hào về hoạt động dựa trên sự đồng thuận và đưa ra các sáng kiến không ràng buộc nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực.
Chuyên gia Victor Cha, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách khu vực châu Á và Hàn Quốc tại CSIS, nhận định APEC chắc chắn rất quan trọng đối với Mỹ. APEC chiếm 40% dân số thế giới và một nửa thương mại toàn cầu. Bảy đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ là các nền kinh tế APEC.
Một vấn đề thu hút sự chú ý trong những ngày qua là khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị APEC. Theo TS Bonny Lin, chuyên gia cấp cao về an ninh châu Á và Giám đốc Dự án quyền lực Trung Quốc tại CSIS, cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập nếu diễn ra có thể giúp quản lý và ổn định mối quan hệ song phương, cải thiện liên lạc và giảm bớt những nghi kỵ.
Nhiều nhà quan sát nhận định rằng IPEF có thể sẽ nằm trong nhiều cuộc thảo luận của các thành viên APEC vì nhiều nền kinh tế APEC cũng là các bên đang tham gia thảo luận IPEF. Theo chuyên gia Cha, Washington có thể sẽ tận dụng APEC để làm nổi bật những tiến bộ trong khuôn khổ IPEF.
Đồng quan điểm, chuyên gia Erin Murphy, thành viên cấp cao của Chương trình châu Á tại CSIS, cho rằng một trong những kết quả lớn mà chính quyền Tổng thống Biden muốn đạt được ở Hội nghị APEC năm nay là hoàn thiện khuôn khổ IPEF, đặc biệt ba trong bốn trụ cột của IPEF sẽ được củng cố tại đây.•
Biết gì về APEC?
Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được thành lập vào năm 1989 với vai trò là diễn đàn đối thoại không chính thức nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.
Ban đầu APEC có 12 thành viên. Đến nay APEC mở rộng lên 21 thành viên và tổ chức hơn 100 cuộc họp mỗi năm, theo hãng tin Reuters.
21 thành viên của APEC gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Bắc Trung Hoa, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.
APEC hoạt động trên cơ sở các cam kết không ràng buộc, đối thoại cởi mở và tôn trọng bình đẳng quan điểm của tất cả thành viên.