Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng nhiều người xả rác bừa bãi ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) vào mỗi dịp tập trung đông người, nhất là cuối tuần, đại diện Công ty TNHH MTV Công ích quận 1, TP.HCM (đơn vị đảm bảo công tác dọn dẹp vệ sinh tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ) thừa nhận nạn xả rác bừa bãi tại đây tồn tại đã lâu.
Vị này thông tin thêm công ty thường bố trí hai ca công nhân làm việc tại đây mỗi ngày, trong những dịp lễ Tết tăng cường thêm người làm.
Dịp cuối tuần đơn vị còn xịt nước rửa đường và phố đi bộ. "Tuy nhiên rác phát sinh tại đây rất khủng khiếp, nhiều người thiếu ý thức ăn uống xong bỏ rác tại chỗ luôn.
Từ phố đi bộ Nguyễn Huệ cho đến công viên bến Bạch Đằng cứ chút lại xuất hiện rác dù được dọn liên tục.
Vào ngày lễ hay cuối tuần đông người dân tới, bên đơn vị tôi phát các bao đựng rác cho khách ngồi để họ bỏ vào đó.
Khi xong chương trình thì anh em công nhân đến mang bao rác lên xe đến điểm tập kết. Cách này do anh em tự nghĩ ra để đỡ mất công quét dọn thu gom lại mà người dân cũng có chỗ bỏ rác không vứt ra đường", vị này cho hay.
Theo số liệu đơn vị này cung cấp, vào các đêm bắn pháo hoa, lượng rác có thể đạt 100 - 120 tấn (gồm phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Hàm Nghi, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng...). Vào cuối tuần thì dao động 10 - 20 tấn rác xả ra ở khu vực này.
Trong khi đó, theo thống kê của UBND quận 1, lượng khách tập trung về công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng, cầu Ba Son tăng nhanh chóng trong thời gian qua.
Ngày thường có khoảng 2.000 người đến các địa điểm này, vào ngày cuối tuần và ngày lễ có thể tăng gấp 2-3 lần.
Và chính từ đó phát sinh những tồn tại về trật tự đô thị, an toàn giao thông khi nhiều người đậu xe trên lòng lề đường do không có bãi giữ xe (nhất là bến Bạch Đằng) hoặc có bãi giữ xe nhưng ở xa và giá khá cao.
Người dân và khách du lịch cũng có nhu cầu ăn uống nhưng ở đây thiếu dịch vụ này, dẫn đến nhiều hàng rong chèo kéo, giành khách gây mất an ninh trật tự.
Ngoài ra, do thiếu chỗ ngồi nghỉ chân nên nhiều người bày ghế nhựa hoặc lót thảm để ngồi gây mất mỹ quan đô thị.
Không chỉ vứt rác bừa bãi, phố đi bộ Nguyễn Huệ còn xảy ra tình trạng người dân vô tư mang chó mèo không rọ mõm ra hóng mát.
Anh Hoàng Dương (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: "Con tôi mới 4 tuổi, thả xuống bé cũng muốn chạy nhảy một chút nhưng sợ quá, có mấy con chó giống nước ngoài to vật vã, cơ bắp lắm cứ lượn lờ tự do vây quanh sao yên tâm mà thả con xuống được".
Cần mạnh tay xử lý "rác tặc"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đặng Thu Dung (45 tuổi, quận Phú Nhuận) yêu cầu cơ quan chức năng phạt nặng những người vứt rác bừa bãi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ.
"Tôi ủng hộ chính quyền TP.HCM mạnh tay trong quản lý, xử lý nạn "rác tặc" này. Chúng ta cần có bộ tiêu chuẩn áp dụng bắt buộc với người đến phố đi bộ vui chơi, thậm chí lắp camera giám sát toàn bộ khu vực. Những hình ảnh xả rác xấu xí cần đưa lên báo, mạng xã hội để giáo dục, răn đe hữu hiệu. Dĩ nhiên cần tuyên truyền, chuẩn bị đủ thùng rác trước khi áp dụng xử phạt cứng rắn", bà Dung nói.
Yến Nhi (21 tuổi, quận Bình Thạnh) cho rằng không thể cấm buôn bán ở phố đi bộ Nguyễn Huệ bởi đôi khi người ta đến vừa để vui chơi vừa để sử dụng những gánh hàng rong như thế, giúp Sài Gòn có khi đáng yêu hơn.
Theo Nhi, để không tạo nên cảnh nhếch nhác, lộn xộn, gây mất trật tự đô thị, cơ quan chức năng cần quy hoạch khu vực mua bán, đặc biệt là các gánh hàng rong, một cách bài bản hơn.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ chưa đến 1km nhưng được bố trí hàng chục thùng rác. Tuy nhiên nhiều người quen thói ăn đâu vứt đó, không buồn bỏ rác vào thùng dù chỉ cách mấy bước chân.