Phát biểu tại Hội nghị Tín dụng bất động sản do NHNN tổ chức sáng nay, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho hay, nhu cầu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2023 là 6,8 triệu m2 sàn xây dựng. Trong đề án xây một triệu căn nhà xã hội, Thủ tướng cũng giao chỉ tiêu cho Thành phố phát triển 56.200 căn.
Để hoàn thành mục tiêu này, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp.
Thứ nhất, cần nâng lợi nhuận cho chủ đầu tư xây nhà xã hội lên 15-20%, thay vì mức cũ 10% vốn không thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho hay, một dự án nhà ở xã hội kéo dài 4-5 năm, định mức lợi nhuận 10% cho dự án (tức lợi nhuận khoảng 2%/năm) là quá thấp, không thu hút được doanh nghiệp.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng đề nghị nên bỏ quy định về định mức lợi nhuận của doanh nghiệp, hoặc chuyển từ định hướng xây dựng nhà ở xã hội sang nhà ở giá rẻ - không bị hạn chế định mức lợi nhuận và điều kiện mua nhà để thúc đẩy phân khúc này.
Bên cạnh vấn đề lợi nhuận, để phát triển nhà ở xã hội, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị vẫn giữ quy định doanh nghiệp làm nhà xã hội được dành 20% đất ở xây nhà thương mại, thay vì cắt đi như trong dự thảo Luật Nhà ở Chính phủ trình Quốc hội. Sở đánh giá đây là cơ chế ưu đãi quan trọng để thu hút nhiều chủ đầu tư tham gia. Đây cũng là cơ sở hạ giá bán sản phẩm, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà.
Về tiêu chí vay phát triển nhà xã hội, nhà công nhân trong gói 120.000 tỷ đồng, Sở Xây dựng đề xuất có giải pháp ưu đãi về thời gian vay, lãi suất, thủ tục pháp lý. Ví dụ, dự án nhà xã hội trước đó phải đáp ứng tiêu chí giải phóng mặt bằng xong, có giấy phép xây dựng mới được vay gói tín dụng trên. Sở cho rằng dự án có quyết định giao đất, cho thuê đất đã đạt điều kiện để ngân hàng xem xét cho vay.
baodautu.vn