Theo Wall Street Journal, 12 năm trước, Randall Atkins, cựu lãnh đạo ngân hàng ở Phố Wall, mua một mỏ than cũ ở bang Wyoming (Mỹ) với giá 2 triệu USD.
Vài năm trở lại đây, khi các chuyên gia địa phương tới kiểm tra và nghiên cứu địa chất, ông mới biết rằng khu vực này ẩn chứa một lượng đất hiếm khổng lồ trị giá khoảng 37 tỷ USD.
Sau một số kết quả kiểm tra, mỏ than này thực sự chứa đất hiếm và có thể là mỏ đất hiếm lớn nhất nước Mỹ. Nếu dự án tiến hành như dự định, đây sẽ là mỏ đất hiếm mới đầu tiên ở Mỹ kể từ năm 1952.
Mỹ cùng nhiều nước phương Tây đang chạy đua tìm kiếm đất hiếm để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc vì khoáng sản này đang có nhu cầu ngày càng lớn cho nhiều mục đích sử dụng trong các công nghệ xanh.
Trong một động thái được coi là trả đũa các hạn chế xuất khẩu công nghệ chip của Mỹ, Trung Quốc gần đây hạn chế xuất khẩu 2 loại khoáng sản hiếm là gallium and germanium, được sử dụng trong chip bán dẫn, hệ thống tên lửa và pin mặt trời.
"Kho báu" này được các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Công nghệ năng lượng Quốc gia (NETL) của Bộ Năng lượng Mỹ tìm ra. Được biết, phòng thí nghiệm này đã dành nhiều năm để phát triển một mô hình kết hợp dữ liệu với trí tuệ nhân tạo để dự đoán trữ lượng đất hiếm và khoáng sản quan trọng.
Hiện tại, Trung Quốc kiểm soát phần lớn hoạt động tinh chế đất hiếm. Tuy nhiên, Ramaco Resources, công ty khoáng sản lớn tại Bắc Mỹ, hy vọng sẽ xây dựng nhà máy chế biến trên lãnh thổ của mình để tự tinh chế đất hiếm phục vụ nhu cầu nội địa.
Ramaco gần đây đã bắt đầu khoan xuống độ sâu hơn 200m và lấy được nhiều mẫu phân tích. Điều này giúp công ty này tìm ra cách tốt nhất để khai thác, chiết xuất, tách và xử lý đất hiếm.
Xem thêm: mth.79382837131113202-gnuhk-irt-aig-oc-meih-tad-gnoul-urt-neih-tahp-ym/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad