Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 13/11 tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, hiện đứng ở mức 69,50 – 70,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 19,5 USD xuống 1.938,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giá vàng chững lại và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,77 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.015 đồng/USD, tăng 1 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.200 – 24.540 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đi ngang quanh 37.200 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục đi ngang và chỉ giảm nhẹ về dưới 37.100 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,02 USD (+0,03%), lên 77,19 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,01 USD (+0,01%), lên 81,44 USD/thùng.
VN-Index giảm nhẹ
Thị trường giao dịch khá ảm đạm trong suốt cả phiên sáng, nhưng với khá nhiều trụ cột tăng điểm đã giúp VN-Index phần lớn ở trên tham chiếu trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.
Sau đó, áp lực bán có phần gia tăng sau thời điểm 14h khiến VN-Index để mất mốc 1.100 điểm và lùi về gần 1.090 điểm. Dù vậy, lực cầu gia tăng khá tích cực trong phiên ATC đã giúp chỉ số bật hồi và lấy lại thành công mốc 1.100 điểm cùng thanh khoản đạt hơn 16.000 tỷ đồng.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 15,67 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 369,22 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 13/11: VN-Index giảm 1,61 điểm (-0,15%), xuống 1.100,07 điểm; HNX-Index giảm 0,54 điểm (-0,24%), xuống 226,11 điểm; UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,06%) xuống 85,98 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Sáu (10/11), khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài ổn định.
Thị trường phục hồi khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm gần như không đổi, sau khi nhảy vọt hơn 10 điểm cơ bản trong phiên trước đó
Trong tuần, Dow Jones nhích 0,7%, S&P 500 tăng 1,3% và Nasdaq Composite tăng 244%.
Kết thúc phiên 10/11: Chỉ số Dow Jones tăng 391,16 điểm (+1,15%), lên 34.283,10 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 67,89 điểm (+1,56%), lên 4.415,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 276,55 điểm (+2,05%), lên 13.798,11 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản hạ độ cao, khi áp lực chốt lời gia tăng sau khi chỉ số chuẩn tiến gần tới ngưỡng 33.000 điểm.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 nhích 0,05% lên 32.585,11 điểm, sau khi tăng tới 1% trong phiên. Chỉ số Topix đi ngang ở mức 2.336,62 điểm.
"Chỉ số Nikkei 225 đã tăng mạnh vào đầu phiên, điều này cho chúng tôi sự lạc quan rằng đà tăng đã trở lại. Tuy nhiên, chỉ số đã đảo chiều khi tiến gần hơn đến mốc 33.000 điểm. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư chưa hoàn toàn sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi mua cổ phiếu. Có một số bất ổn về nền kinh tế vĩ mô”, Shuutarou Yasuda, nhà phân tích thị trường tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết.
Phiên này, các cổ phiếu liên quan đến chip tăng sau khi Nasdaq Composite ghi nhận phiên tốt nhất trong một ngày kể từ ngày 26/5 vào thứ Sáu.
Theo đó, cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 1,74% và nhà sản xuất thiết bị thử nghiệm chip Advantest tăng 1,53%.
Chứng khoán Trung Quốc trái chiều, khi giới đầu tư lạc quan thận trọng đánh giá những diễn biến mới về quan hệ với Mỹ.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,25% lên 3.046,53 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,20% xuống 3.579,41 điểm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết hôm thứ Sáu rằng bà đã đồng ý với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong để "tăng cường truyền thông" về các vấn đề kinh tế.
Bình luận được đưa ra trước cuộc gặp dự kiến trong tuần này giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco.
Hiện các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ một loạt dữ liệu kinh tế của Trung Quốc sẽ được công bố trong tuần này, bao gồm sản lượng công nghiệp, đầu tư đô thị và doanh số bán lẻ trong tháng 10. Các dự báo ban đầu cho thấy đà tăng trưởng đã suy yếu trở lại trong tháng 10 sau khi phục hồi trong những tháng trước.
"Cuộc tranh luận về đầu tư vào Trung Quốc đã chuyển sâu sang những thách thức cơ cấu dài hạn, đặc biệt là trên mặt trận nợ và giảm phát. Do đó, những rào cản phía trước đối với sự phục hồi bền vững của thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn còn cao”, các chiến lược gia của Morgan Stanley viết.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi dự đoán tích cực trước hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối tuần này đã nâng đỡ thị trường.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,30% lên 17.426,21 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,50% lên 5.989,10 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, bị đè nặng bởi lực bán của nhà đầu tư nước ngoài, với các công ty thương mại điện tử giảm mạnh nhất.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 5,90 điểm, tương đương 0,24% xuống 2.403,76 điểm.
Biến động gia tăng trên thị trường gần đây sau khi lệnh cấm bán khống được áp dụng vào tuần trước, các nhà phân tích cho biết.
Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 0,14%, SK Hynix tăng 1% và nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 1,09%.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng cổ phiếu trị giá 31,4 tỷ won (23,71 triệu USD) trong ngày.
Kết thúc phiên 13/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 17,00 điểm (+0,05%), lên 32.585,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,43 điểm (+0,25%), lên 3.046,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 222,95 điểm (+1,30%), lên 17.426,21 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 5,90 điểm (-0,24%), xuống 2.403,76 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Nợ xấu và… nợ tốt
Chiếm tới 37% vốn hóa hai sàn niêm yết tính đến thời điểm 7/11/2023 và thường xuyên có giá trị giao dịch đạt khoảng 20% thanh khoản, nên dễ hiểu vì sao cổ phiếu ngân hàng được gọi là “cổ phiếu vua”, luôn có mặt trong bất cứ xu hướng dài hạn nào của thị trường..>> Chi tiết
- "Trái đắng" đầu tư cổ phiếu
Mùa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 đã hé lộ hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ lớn trong đầu tư cổ phiếu..>> Chi tiết
- Xác nhận đáy trung hạn
Nhìn chung, thị trường đã hình thành được vùng cân bằng sau 2 tuần nỗ lực phục hồi và tiếp theo sẽ là giai đoạn của quá trình đi lên, tất nhiên với những điểm trừ hiện có thì khả năng đi lên mạnh của thị trường là rất khó..>> Chi tiết
- Bùng nổ theo đà, nhưng vẫn chưa hết lo
VN-Index đã có phiên giao dịch bùng nổ vào giữa tuần qua. Diễn biến giảm điểm trong 2 phiên cuối tuần chưa ảnh hưởng lớn đến cấu trúc hồi phục ngắn hạn, nhưng chỉ số vẫn có nguy cơ tiếp tục giảm điểm trong các phiên đầu tuần này..>> Chi tiết
- IMF: Nền kinh tế châu Âu nhiều khả năng sẽ 'hạ cánh mềm'
IMF phân tích, nền kinh tế châu Âu khó có thể sụp đổ dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã liên tục tăng lãi suất trong hơn một năm qua, nhằm kiềm chế lạm phát cao..>> Chi tiết